Vừa qua, tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp, Liên bang Nga, Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga, Hiệp hội các trường đại học Liên bang Nga tổ chức diễn đàn Hiệu trưởng Việt - Nga lần thứ hai.
Diễn đàn được tổ chức vào thời điểm 2 bên cùng hướng tới kỷ niệm 30 năm Việt Nam và Liên bang Nga ký kết “Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga” (16/6/1994 - 16/6/2024).
Diễn đàn Hiệu trưởng đại học Việt Nam - Liên bang Nga lần thứ hai có sự tham dự của 21 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và 40 cơ sở giáo dục giáo dục đại học Liên bang Nga.
Đây là cơ hội để hai bên tiếp tục mở rộng mối quan hệ, thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa các cơ sở giáo dục đại học, góp phần cụ thể hoá và triển khai hiệu quả hơn nữa các cam kết hợp tác về giáo dục và đào tạo đã được ký kết giữa hai nước.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga Konstantin Mogilevsky đã nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Ông đồng thời khẳng định thúc đẩy phát triển tài nguyên con người trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là một trong những nhiệm vụ của các trường đại học hai bên.
Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Hoàng Minh Sơn khẳng định, hợp tác về giáo dục đào tạo giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có truyền thống lâu dài, bền chặt và là điểm sáng trong mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Liên bang Xô Viết trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã tiếp nhận, đào tạo hàng chục nghìn công dân Việt Nam, góp phần to lớn vào việc đào tạo nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cho Việt Nam. Nhiều công dân Việt Nam được Liên Xô đào tạo đã trở thành những cán bộ cấp cao, những nhà quản lý, nhà khoa học đầu ngành của Việt Nam.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ, đến nay, Liên bang Nga vẫn luôn đặc biệt quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong thời gian 5 năm trở lại đây, phía Nga đã dành cho công dân Việt Nam 1.000 chỉ tiêu học bổng hằng năm. Hiện tại, có hơn 6.000 du học sinh đang theo học ở các bậc học và trình độ đào tạo khác nhau tại trên 180 cơ sở giáo dục của Liên bang Nga, trong đó có khoảng 2.800 du học sinh diện Hiệp định.
Mặc dù hợp tác giáo dục có nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn hiện nay hợp tác giáo dục đại học nói chung và hợp tác giữa các trường đại học 2 nước còn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của 2 bên.
Để hợp tác đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề cập tới một số giải pháp. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cần tăng số lượng các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học Liên bang Nga, trong đó chú trọng hơn các lĩnh vực mà Liên bang Nga có thế mạnh và phía Việt Nam có nhu cầu đào tạo như kỹ thuật điện tử - viễn thông, năng lượng, công nghệ thông tin, vật lý - vật liệu, luật, Y - Dược, mỏ - địa chất, giao thông, kinh tế - quản lý, nông nghiệp và công nghệ sinh học, khoa học biển, thủy sản, môi trường,…
Tăng cường việc trao đổi sinh viên, giảng viên thông qua việc sử dụng hiệu quả chương trình học bổng hiệp định đã ký kết giữa 2 Chính phủ và đồng thời đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học của Liên bang Nga và Việt Nam.
Các trường đại học, các cơ sở giáo dục của hai nước, đặc biệt là các đơn vị tham gia trực tiếp diễn đàn lần này sẽ tích cực thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác, có thể tiến hành ký kết các thỏa thuận hợp tác và sớm cùng nhau triển khai thực hiện chúng một cách có hiệu quả.
Trong khuôn khổ diễn đàn có 30 văn bản hợp tác về nghiên cứu, đào tạo, trao đổi thông tin, học thuật, trao đổi cán bộ, giảng viên, sinh viên, xây dựng và phát triển các chương trình,… được ký mới.
Tại diễn đàn cũng đã trao đổi về việc mở rộng Hiệp hội các trường đại học kỹ thuật Nga-Việt và Hiệp hội các trường đại học Nga-Việt về đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông làm hạt nhân cho sự mở rộng hợp tác giữa các trường đối tác cùng lĩnh vực, là xung lực mới cho hợp tác song phương mô hình trường - trường - liên trường.