Tăng lương tối thiểu vùng: Phải tính đến việc bù lại trượt giá

Tăng lương tối thiểu vùng: Phải tính đến việc bù lại trượt giá

Đỗ Thị Thơm

Đỗ Thị Thơm

Thứ 7, 01/07/2017 06:01

Theo tính toán của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu năm 2017 mới đạt được 90% mức sống tối thiểu. Chính vì thế, đơn vị này đề xuất tăng 13,3% lương tối thiểu vùng năm 2018.

Xã hội - Tăng lương tối thiểu vùng: Phải tính đến việc bù lại trượt giá

Ông Lê Đình Quảng: "Việc tăng lương phải hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp".

Phiên họp đầu tiên về tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 đã được khởi động. Trái với chiến lược của VCCI khi chưa đưa ra đề xuất rõ rệt, Tổng Liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam đã chủ động đề xuất tăng dao động từ 370.000 - 450.000 đồng, tương đương mức 13,3% so với năm 2017.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, TLĐLĐVN để làm rõ hơn vấn đề này.

4 cơ sở để đề xuất tăng lương

PV: Cơ sở nào để TLĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2018 ở mức 13,3%, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Có nhiều cơ sở để TLĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng lương. Phương án TLĐLĐ đưa ra để các bên tham luận. Phương án tăng 13,3% căn cứ theo Điều 91, Bộ luật Lao động quy định “tiền lương tối thiểu là tiền lương trả cho người lao động làm công việc đơn giản, trong điều kiện bình thường, bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu của họ và gia đình họ”. Mức lương tối thiểu năm 2017 mới đạt được 90% mức sống tối thiểu.

Bộ luật Lao động đã có hiệu lực được vài năm nhưng mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Chính vì thế, theo lộ trình, năm 2018, mức lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. Chúng tôi đề xuất mức này mới đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động. Nếu điều chỉnh như vậy, hàng năm chúng ta không nhất thiết phải điều chỉnh mức lương tối thiểu mà chỉ cần căn cứ vào mức trượt giá để điều chỉnh.

Thứ hai, căn cứ vào tình hình thực tế là TLĐLĐ Việt Nam khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống của người lao động thấy rất khó khăn. Chúng tôi nghiên cứu, lấy phiếu khảo sát ở khoảng 70 doanh nghiệp, 18 tỉnh thành, với hơn 2.500 phiếu khảo sát, phỏng vấn sâu hơn 1.000 người lao động ở các khu nhà trọ thì thấy đời sống họ rất khó khăn. Trên 80% người lao động phải làm thêm giờ mới đủ trang trải cuộc sống, chi tiêu vô cùng tằn tiện.

Thứ ba, chúng tôi căn cứ vào các điều kiện KT-XH năm 2017 thấy có những thuận lợi. Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%, năng suất lao động tăng 5%, các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thành lập mới nhiều hơn. Bức tranh kinh tế xã hội 2017 thuận lợi hơn, vì thế người lao động cũng cần mức lương tối thiểu tương xứng để đảm bảo cuộc sống.

Bên cạnh các căn cứ trên, chúng tôi cũng so sánh với hàng loạt nước khác thì thấy mức lương tối thiểu của chúng ta thuộc diện thấp. Hiện nay, tiền lương tối thiểu nếu tăng lên 13,3% thì vẫn ở “ngưỡng vàng” so với tiền lương trung bình. Bởi so với khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, tiền lương tối thiểu nên nằm trong ngưỡng từ 50-60% tiền lương trung bình.

Từ tất cả các yếu tố trên, TLĐLĐ Việt Nam xem xét, cân đối mức độ để đảm bảo đời sống người lao động, tuân thủ pháp luật cũng như tạo động lực cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc tăng lương cũng phải hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp.

PV: Trong khi TLĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, VCCI lại cho rằng tăng mức dưới 5% là hợp lý? Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Lê Đình Quảng: Trong nhiều năm qua, VCCI và giới sử dụng lao động trong thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) tiếp tục đề xuất là chỉ tăng để bù mức trượt giá. Đây mới là phiên đầu tiên và các bên cũng phải nghiên cứu, điều chỉnh các phương án. Tuy nhiên, nếu mức tăng thấp thì chỉ bù trượt giá chứ không phải tăng lương tối thiểu.

Lương “không đủ sống” đeo bám công nhân

PV: Có một thực tế, nhiều người lo ngại là mỗi lần tăng lương không bù được giá cả các mặt hàng tăng. Vậy lương tăng có phải là nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng tăng theo, thưa ông?

Ông Lê Đình Quảng: Thực ra, chỉ số CPI của chúng ta tăng không phải vì tăng lương mà tăng giá vì bình thường CPI đã tăng rồi. Trong vấn đề tăng tiền lương tối thiểu, theo tôi phải tính đến việc bù lại trượt giá cho tiền lương của người lao động chứ không phải tăng lương mà tăng giá.

PV: Việc tăng lương luôn khó gặp nhau giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Ông có thấy bất hợp lý khi lương không đủ sống và việc làm thêm ngoài giờ đang chiếm 20-30% thu nhập của họ?

Ông Lê Đình Quảng: Ở một góc độ nào đó, theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng nếu phải làm thêm mới đảm bảo cuộc sống người lao động thì đó chính là lao động cưỡng bức. Một xã hội quan hệ lao động bình thường, người lao động bình thường phải đảm bảo mức sống trung bình. Ở Việt Nam có tình trạng phải làm thêm mới đảm bảo cuộc sống. Chính điều đó cho thấy cuộc sống của người lao động rất khó khăn. Ở góc độ tiêu chuẩn lao động quốc tế, điều đó là chưa đảm bảo. Do điều kiện của Việt Nam, chúng ta phải chấp nhận nhưng cần phải giải quyết hài hòa, có lộ trình tăng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đỗ Thơm – Hương Lan

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.