Chính phủ vừa trình ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Ngay lập tức, thông tin này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nếu nội dung này của dự thảo luật được thông qua, xăng dầu trong nước sẽ chịu tác động mạnh về giá cả.
PV báo Người Đưa Tin đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Tôi nhớ thời điểm cách đây vài tháng, khi đề xuất này mới được đưa ra lấy ý kiến, dư luận đã không đồng tình với mức đánh thuế bảo vệ môi trường quá cao như vậy. Đặc biệt trong tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay, việc áp mức thuế môi trường lớn như vậy là không nên. Và dư luận cũng đặt câu hỏi, mức thuế đó sau khi thu được sẽ cho vào đâu? Các khoản này để bảo vệ môi trường hay chi tiêu cho các việc khác?
Theo quan điểm của tôi, bộ Tài chính đề xuất khung thuế bảo vệ môi trường có thể lên đến 8.000 đồng/lít xăng là không phù hợp với tình hình hiện nay và cũng không thúc đẩy được năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Năm 2017, chúng ta thấy thị trường xuất khẩu đã gặp khó khăn. Đặc biệt, thị trường trong nước của chúng ta bị các doanh nghiệp Thái Lan xâm chiếm rất nhiều. Nếu các doanh nghiệp gánh thêm thuế môi trường có thể đến 8.000 đồng/lít xăng, chi phí vận tải sẽ tăng lên và lúc đó năng lực cạnh tranh sẽ kém đi. Và thực tế hiện nay, xăng dầu đang áp dụng đồng thời thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường khiến tình trạng phí chồng phí xảy ra. Bởi thực chất, thuế tiêu thụ đặc biệt đã bao gồm nội dung phí môi trường”.
Đồng tình với quan điểm về việc không nên nâng khung mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Quản lý giá (bộ Tài chính) khẳng định: “Theo tôi được biết, việc đánh thuế môi trường vào xăng dầu thì không phải nước nào cũng làm. Kể cả ở châu Âu, nhiều nước cũng không đánh loại thuế này vào xăng dầu.
Chúng ta đánh thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu là một trong những loại thuế không nhiều nước áp dụng. Trước kia, mức đánh thuế môi trường vào xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Cách đánh thuế bằng số tiền tuyệt đối là không chuẩn, không phù hợp mà nên đánh tương đối bằng tỷ lệ phần trăm. Việc đánh thuế chốt tuyệt đối như hiện nay là không so sánh với giá trị thực tế của xăng, không hợp lý.
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quan trọng trong việc tạo nên năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt rất hạn chế, bởi năng suất lao động thấp, chi phí giá thành sản phẩm cao, mà chi phí xăng dầu là một yếu tố cấu thành giá. Chi phí tăng, giá thành tăng đương nhiên làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam".
Đỗ Thơm