Phải tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được"
Để tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công, cần có một điểm mang tính chất giải pháp quan trọng là phải giảm bớt những thủ tục. Do đó, việc sửa đổi Luật Đầu tư công mang tính cấp thiết trong thời điểm này.
Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2024, về đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giải phóng nguồn lực đầu tư công, phát huy hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí, tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được", tránh dự án kéo dài; đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục rườm rà không cần thiết, tạo môi trường không lành mạnh.
Những ngày này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện các nội dung hồ sơ, thủ tục để trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi). Hồ sơ đề xuất xây dựng Luật đã được trình Chính phủ, sắp tới sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, với mục tiêu trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.
Nếu Luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới thì thời điểm có hiệu lực dự kiến vào 1/1/2025. Như vậy sẽ kịp để triển khai công việc của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có chia sẻ với các thành viên ban soạn thảo rằng: "Làm luật lần này chúng ta coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách về thể chế. Chúng ta cần thay đổi tư duy, thay đổi tầm nhìn, thay đổi phương thức quản lý, quản trị quốc gia. Điều này là nhu cầu đặt ra, rất cần các bạn gạt cái tôi của mình sang một bên, đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Tranh thủ các cơ hội, dù là nhỏ nhất để phát triển đất nước".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2 chủ trương lớn trong sửa Luật Đầu tư công lần này là đẩy mạnh phân cấp, tăng trách nhiệm về hiệu quả đầu tư và đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thời gian chuẩn bị dự án, bảo đảm sẵn sàng triển khai ngay khi có vốn.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý, tháo gỡ, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Đồng thời, một số quy định cơ chế, chính sách thí điểm mới được Quốc hội ban hành cũng cần cần nghiên cứu để thể chế hóa tại Luật.
"Việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, trong khi đó tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, yêu cầu về chất lượng cao nhằm khắc phục căn bản những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và khơi thông nguồn lực cho phát triển", ông Phương cho hay.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Một, thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Ba, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; Bốn, thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Năm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Phân cấp phân quyền rõ ràng để không còn phân vân
Một điểm đáng chú ý khác trong sửa đổi Luật Đầu tư công lần này là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Theo dự kiến sửa đổi, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều 17, báo cáo HĐND cấp tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại điểm a khoản 4, khoản 6, khoản 8 Điều 17, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với vốn ngân sách địa phương giữa các cơ quan, đơn vị và đối với vốn ngân sách địa phương giữa các nhiệm vụ, dự án trong nội bộ cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch vốn do cấp mình quản lý.
Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi) ngày 9/9, ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, để thuận lợi và phù hợp thì cần ghi rõ việc phân cấp phân quyền để không còn tranh cãi hay phân vân.
"Ví dụ như trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thẩm quyền của từng cấp, nhưng nếu luật này triển khai thì có một số điều phải thay đổi. Do vậy, chúng ta quy định cụ thể hơn, luật nào ra đời sau thì áp dụng theo luật ra đời sau", ông Bình góp ý.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp, ông Bình cho rằng phải rà soát lại thẩm quyền quyết định, chi tiết từng cấp.
Đại diện UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc phân cấp, phân quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa vào Dự thảo rất phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu của địa phương trong việc đầu tư các dự án.
Liên quan đến việc phân cấp, phân quyền, đại diện của UBND tỉnh Hậu Giang đề xuất bổ sung quy định khi Chính phủ phân quyền cho địa phương thì địa phương không cần thông qua HĐND, vì khi Chính phủ đã giao rồi thì HDND cũng không thể giao khác được.
TS. Vũ Đình Ánh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, các quy định pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công và các luật có liên quan khác tuy đã được bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện song vẫn chưa thật sự đồng bộ.
Vì vậy, các chủ đầu tư và cơ quan quản lý dự án đầu tư công cũng như quản lý tài chính dự án đầu tư công vẫn lúng túng, vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Trong quản lý dự án đầu tư công vẫn còn nhiều nội dung, nhiều khâu, nhiều cấp với quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp, nặng về phê duyệt, xin - cho, hợp thức hóa... mà chưa dành quyền chủ động cho chủ đầu tư đi đôi với tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, quyền và trách nhiệm của cá nhân với của tập thể chưa được phân định rạch ròi nên không ít dự án đầu tư công chậm triển khai, giải ngân chậm.
Khắc phục tình trạng "vốn chờ dự án"
Khi thực hiện 53 cuộc kiểm toán về đầu tư công, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện các dự án.
Trước hết, chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án còn hạn chế nên khi thực hiện dự án phải thay đổi tổng mức đầu tư, tổng dự toán nhiều lần làm ảnh hưởng đến công tác kế hoạch vốn đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, còn tình trạng "vốn chờ dự án", nhiều dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn hằng năm nhưng các bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất bố trí vốn dẫn đến không phân bổ hết số vốn được giao.
Nhằm khắc phục tình trạng "vốn chờ dự án", tại dự thảo 1 luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính, liên quan đến sửa Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác.
Theo Bộ Tài chính, nhu cầu đầu tư các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (đầu kỳ trung hạn chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hoặc bố trí chưa đủ vốn) phát sinh hằng năm rất lớn, đặc biệt là các dự án phòng chống thiến tai thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng...
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công và phải thuộc kế hoạch trung hạn được cấp thẩm quyền giao, kế hoạch đầu tư công được lập theo giai đoạn trung hạn 5 năm.
Vì vậy trường hợp phát sinh dự án mới, bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải thực hiện quy trình báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư qua nhiều cấp, nhiều khâu thẩm định và mất nhiều thời gian từ (1 đến 2 năm) không triển khai ngay được mà phải chờ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Trên cơ sở đó, triển khai các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án mới giao được kế hoạch năm để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu mới và giải ngân được "vốn chờ dự án" là rất phổ biến và chưa có biện pháp khắc phục.
Đơn cử như nguồn tăng thu ngân sách Trung ương các năm (2021, 2022, 2023) hiện vẫn đang phải chờ các dự án được phép sử dụng hoàn thiện thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phân bổ, giao kế hoạch vốn).
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nên chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện. Do đó, việc phân định rõ nhằm khắc phục tình trạng "vốn chờ dự án", khi "công trình vẫn đang chờ được vào kế hoạch đầu tư công".
Có thể thấy rằng, rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để tạo "cú hích" giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2024, với mục tiêu đưa tỉ lệ giải ngân của cả năm đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.