Dự kiến đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam lại được nêu ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động tới đây và đang khiến dư luận nhiều tranh cãi. PV báo Người Đưa Tin đã có trao đổi với đại biểu (ĐB) Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách TP. Hà Nội bên hành lang Quốc hội (QH) xung quanh vấn đề tiêu điểm này.
-ĐB có bình luận như thế nào về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nói trên?
Thực ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải tính toán đến rất nhiều yếu tố, nhất là căn cứ vào điều kiện lao động, sức khỏe của người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, làm sao đảm bảo sự phát triển của quỹ bảo hiểm.
Đặc biệt, chúng ta cần đặt trong bối cảnh, hiện tại, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế. Trong yêu cầu của giảm biên chế làm bộ máy gọn đi, nếu chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ. Với những lao động trẻ, khỏe có năng lực được đào tạo rất bài bản ra trường thì vấn đề công ăn việc làm của họ như thế nào?
Chúng ta cũng sẽ phải tính toán đến các khu vực lao động khác nhau. Trên thực tế, có những người rất mong được nghỉ hưu sớm do lao động cực nhọc, họ cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, cũng có những khu vực với điều kiện lao động đặc thù, họ có thể tiếp tục cống hiến.
Bên cạnh đó, cần tham khảo kinh nghiệm thực tế của những nước có điều kiện tương tự như Việt Nam. Trên thế giới, có nhiều xu hướng rất khác nhau. Có những nước tuổi lao động rất cao.
Vậy, chúng ta cần tính toán tất cả các yếu tố tác động đó một cách kỹ lưỡng.
-Có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tránh được nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. ĐB có suy nghĩ gì về điều này?
Nếu chỉ đưa ra một lý do duy nhất là nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm thì tôi nghĩ không thỏa đáng. Bởi, quỹ bảo hiểm được hình thành, chi trả, phát triển trong mối quan hệ về mặt tài chính, bằng kỹ năng, năng lực, tổ chức điều hành cho hiệu quả. Nhưng người lao động phải nghĩ đến quyền lợi của họ, khả năng đóng góp cho xã hội của họ.
Nếu chúng ta giải quyết được bài toán không vỡ quỹ bảo hiểm nhưng năng suất chất lượng lao động không cao, sức ép đối với lực lượng đang còn sung sức trong tuổi lao động, đang có những đóng góp tích cực thì sẽ tạo bức xúc.
-Cá nhân ông có đồng ý với đề xuất này không, thưa ĐB?
Như đã nói, tôi nghĩ, chúng ta cần cân nhắc một cách tổng thể. Cá nhân tôi chưa lựa chọn phương án nào. Nhưng chắc chắn khi thảo luận, bấm nút, tôi sẽ xem xét kỹ.
Ngoài ra, tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nên có quyết định sớm để bắt đầu nhiệm kỳ mới. Vì riêng công tác quy hoạch đối với lãnh đạo các cấp, chúng ta đã xây dựng trên cơ sở độ tuổi cũ. Cho nên, nếu có quyết định này cần cân nhắc sớm để đảm bảo nhiệm kỳ mới, tâm lý cán bộ, nguồn cán bộ chuẩn bị một cách đầy đủ.
-Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Dương Thu – Đỗ Thơm