Cụ thể, tập đoàn SK, sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Hàn Quốc, đã được Bộ Đại dương và Ngư nghiệp nước này chọn để dẫn dắt dự án xây dựng khu liên hợp cung ứng hydro phục vụ các cảng ở miền Nam đất nước.
SK đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) vạch ra kế hoạch cho dự án xây dựng một loạt các cơ sở có thể lưu trữ nhiên liệu, xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu, cung cấp nhiên liệu cho tàu và phương tiện trên bộ, đồng thời sản xuất hydro “xanh” từ khí tự nhiên nhập khẩu.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023.
Bên cạnh dự án khu liên hợp cung ứng hydro này, SK sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất hydro hóa lỏng với công suất 30.000 tấn/năm vào năm 2023. Đến năm 2025, công suất sẽ tăng lên 250.000 tấn.
Tờ Aju Business Daily (Hàn Quốc) đưa tin, Bộ trưởng Đại dương và Ngư nghiệp Moon Seong-hyeok cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu về trung lập carbon vào năm 2050, Hàn Quốc dự kiến từng bước xây dựng các cảng cung ứng hydro vào năm 2040.
Chính phủ Hàn Quốc đã đặt mục tiêu trong 30 năm để đáp ứng hơn 60% nhu cầu hydro trong nước bằng cách sử dụng các khu liên hợp cảng.
Cũng như cảng Yeosu và Gwangyang, cảng Pyeongtaek-Dangjin ở bờ biển phía Tây, cảng lớn thứ năm của Hàn Quốc, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hydro vào năm 2040.
Cảng này được chọn vì nó nằm cạnh một nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Trong thời gian tới, các cảng lớn khác như Busan, Incheon và Ulsan sẽ tham gia vào “hệ sinh thái” hydro mới nổi này.
Theo Bloomberg, Hàn Quốc đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng trạm tiếp nhiên liệu hydro lên 180 vào cuối năm nay. Trong khi đó, Hyundai Motor đang tìm cách mở rộng quy mô sản xuất xe chạy bằng pin nhiên liệu và xây dựng nhiều trạm sạc hơn.
Hàn Quốc nhấn mạnh vào hydro một phần vì những khó khăn về địa lý trong việc khai thác tài nguyên năng lượng gió bên bờ biển và ngoài khơi.
Thực ra, Hàn Quốc có kế hoạch phát triển một trang trại gió ngoài khơi 8,2GW với chi phí 43,2 tỷ USD, nhưng một số nhà bình luận đã bày tỏ sự hoài nghi về cơ hội thành công của dự án này.
Minh Đức (Theo Global Construction Review)