Sáng nay (25/5), hội nghị tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa các lớp 4,8,11 của bộ sách Cánh diều đã được diễn ra nhằm hướng dẫn, trao đổi chuyên môn về việc triển khai sách giáo khoa mới năm học 2023-2024.
Chương trình có sự tham gia trực tiếp của các tác giả biên soạn sách, chủ biên sách nhằm cung cấp thông tin, giải đáp những vướng mắc của thầy cô trong quá trình giảng dạy.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Các nhà xuất bản có nhiệm vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục và đào tạo của các địa phương để tổ chức tập huấn cho các giáo viên giúp các thầy cô hiểu kỹ, hiểu rõ các mục tiêu, nội dung và các yêu cầu cần đạt của sách giáo khoa. Thông qua đó định hướng phương pháp giảng dạy và cách đánh giá”.
Thứ trưởng cũng bày tỏ mong muốn các buổi tập huấn sách giáo khoa phải được diễn ra đầy đủ, kỹ càng đặc biệt đối với các khối cuối cấp vì đây là cơ sở cốt lõi triển khai thành công Chương trình GDPT 2018.
Đối với số lượng sách phục vụ cho năm học mới, đại diện Bộ GD&ĐT thông tin hiện nay Bộ đang rất tích cực phối hợp với các nhà xuất bản với quan điểm không để học sinh thiếu sách trước ngày khai giảng.
Cũng tại hội nghị, đại diện cho phía nhà xuất bản, Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (đơn vị đầu tư bộ sách giáo khoa Cánh Diều) chia sẻ: “Tập huấn sách giáo khoa là công việc diễn ra hằng năm. Bởi đây là khâu then chốt, nếu tập huấn không kỹ giáo viên đi vào giảng dạy sẽ lúng túng”.
Về tình hình triển khai in ấn, phát hành, ông Ái cho biết, phát hành là khâu quan trọng nhất, “chúng tôi đã chuẩn bị các sách tái bản đủ số lượng cho các em học sinh, đối với những sách mới lớp 4,8,11 đang trong quá trình in và nhập kho, trước 15/8 sẽ có đầy đủ sách cho các em”, ông Ái trả lời.
Dưới góc độ chuyên môn, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt 1 Cánh Diều lưu ý đến các báo cáo viên trong quá trình chia sẻ với giáo viên cần làm rõ để các thầy cô hiểu về mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. “Tuỳ từng điều kiện cụ thể để các thầy cô triển khai tập huấn tuy nhiên phải liên hệ, kết nối nhằm thể hiện rõ nội dung của sách gắn liền với yêu cầu của chương trình mới”, thầy Thuyết bày tỏ.
Ngay sau phiên làm việc chung, các thầy cô giáo được chia nhóm theo bộ môn để trao đổi, thảo luận về nội dung, cách giảng dạy sách giáo khoa lớp 4,8,11 với các tác giả và chuyên gia.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố đã chọn xong SGK lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.
Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên Chương trình GDPT được áp dụng với học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước. Từ tháng 12/2022, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt danh mục sách giáo khoa mới của các khối lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Căn cứ danh mục này, các địa phương tổ chức cho cán bộ, giáo viên các nhà trường tìm hiểu và lựa chọn sách từng môn cho phù hợp với điều kiện thực tế ở từng trường học, từng địa bàn. Các địa phương đều bảo đảm thực hiện quy trình chọn sách theo Thông tư số 25 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.