Đứng trước nguy cơ, Grab đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường vận tải, các hãng taxi truyền thống đã chính thức liên minh, sáp nhập lại với nhau tạo thành một thương hiệu G7 Taxi lớn nhất Hà Nội.
Cụ thể, 3 hãng taxi Thành Công, taxi Ba Sao, taxi Sao Hà Nội đã chính thức sáp nhập với tâm thế có sức mạnh “bó đũa” từ một số hãng taxi truyền thống để cạnh tranh với “gã khổng lồ” Grab vốn đã chiếm lĩnh thị trường taxi thời gian qua.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về việc sáp nhập các hãng taxi lại với nhau, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, việc sáp nhập 3 hãng taxi truyền thống có thương hiệu từ hàng chục năm nay để tạo thành một thương hiệu hoàn toàn mới là “G7 Taxi” đánh dấu một bước ngoặt lịch sử cho ngành kinh doanh taxi.
“Đây cũng là bước chuyển biến áp dụng công nghệ thông tin minh bạch thông tin quyền lợi khách hàng và chất lượng dịch vụ. Chúng ta cần phải liên kết lại với nhau, kiên quyết không để taxi truyền thống thua Grab ngay trên sân nhà”, ông Quyền khẳng định.
Cũng theo ông Quyền, việc cạnh tranh taxi truyền thống với Uber, Grab diễn ra thời gian qua do những bất cập cơ chế quản lý trong giai đoạn thí điểm. Taxi truyền thống cạnh tranh trong thị trường có nhiều thiệt thòi, chưa được đối xử bình đẳng nên bị thu hẹp và lép vế về thị trường.
Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi Nghị định 86 định danh tên gọi Grab là taxi sẽ giúp tạo hành lang pháp lý taxi truyền thống và taxi công nghệ cạnh tranh bình đẳng lành mạnh, phát triển bền vững.
Trong khi đó, tại buổi ra mắt thương hiệu G7 Taxi lớn nhất Hà Nội vào ngày 12/11, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc G7 Taxi cho rằng, Hà Nội hiện có 70 hãng xe taxi và khoảng 17.000 xe. Tuy nhiên, có rất ít hãng taxi có số lượng trên 1.000 xe nên khó cạnh tranh được với taxi công nghệ Grab.
Hiện tại, thị trường vận tải taxi tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ. Trong khi các nhà quản lý đang tìm lời giải cho bài toán định danh taxi công nghệ và quản lý thì trong 3 năm qua, taxi truyền thống gặp phải những thách thức lớn do sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của taxi công nghệ vốn nằm ngoài quy hoạch giao thông của các thành phố lớn.
Trước những thách thức đó, các đơn vị taxi truyền thống không chỉ phải thay đổi bằng cách đầu tư công nghệ, dịch vụ để giữ chân khách hàng mà còn phải tìm ra mô hình hoạt động mới để cạnh tranh trong hoàn cảnh số lượng taxi công nghệ đang gấp hơn nhiều lần số lượng taxi của mỗi hãng taxi đơn lẻ.
Qua nghiên cứu các mô hình phát triển của các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp…, G7 Taxi đã ra đời dưới mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào.
G7 Taxi là một trong những đơn vị áp dụng mức giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường khi niêm yết mức giá cước chỉ từ 9.900 đồng/km và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm.
Theo tính toán của G7 Taxi, đây là mức giá cước thấp nhất tại thị trường Hà Nội, thấp hơn phần lớn mức cước mà Grab áp dụng ngay cả trong giờ thấp điểm.
Thế Anh