Ngày 11/1, Diễn đàn chống buôn lậu, gian lận thương mại, uy tín doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng” đã được tổ chức với mục đích chỉ ra nguyên nhân, tìm giải pháp để hạn chế và ngăn chặn tình trạng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ uy tín, danh dự cho các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh.
Những tác hại rất lớn cho nền kinh tế
Phát biểu tại diễn đàn, ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong những năm trở lại đây, cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra hết sức phức tạp.
Ngoài việc vận chuyển trái phép hàng cấm, thì hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại những mặt hàng thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử... cũng có chiều hướng gia tăng, diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và thiệt hại cho người tiêu dùng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến các ngành sản xuất trong nước, tác hại rất lớn cho nền kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã có những chỉ đạo, định hướng cụ thể, kịp thời, các đơn vị thực thi pháp luật vào cuộc quyết liệt, nên tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo thống kê, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022), thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng (tăng 36% so với năm 2022), giá trị tang vật thu giữ gần 204 tỷ; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 35% so với năm 2022). Nhiều vụ việc, vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đã được các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, với những thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Bùi Trung Nghĩa chỉ ra nguyên nhân của thực trạng trên do một số quy định pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại còn bất cập, sơ hở. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, các chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc, mức độ tính răn đe còn thấp. Nhận thức chưa đầy đủ của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng đối với việc kinh doanh, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là trong quá trình tham gia các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội ngày càng phát triển và phổ biến hiện nay.
“Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi công vụ và các quy định của pháp luật chưa cao, còn biểu hiện nể nang, bao che, thậm chí có trường hợp “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật... dẫn đến kết quả công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được như mong muốn”, ông Bùi Trung Nghĩa cho biết.
Các vi phạm trong thương mại điện tử ngày càng gia tăng
Chia sẻ nhiều vấn đề, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù tình hình suy thoái kinh tế và sức mua của người tiêu dùng sụt giảm, nhưng tình hình buôn lậu gian lận thương mại thì chưa giảm đi nhiều.
Mặc dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc tích cực, nhưng trong dịp Tết, nhất là Tết Nguyên đán 2024 sắp tới, các đối tượng đã sử dụng các phương thức, thủ đoạn mới để tối đa lợi nhuận thu được trong việc gian lận thương mại. Các phương thức mới như che giấu nguồn gốc hàng hóa, đánh tráo, rút ruột hàng hóa, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn ra.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lê, thêm một vấn đề nổi cộm đó là việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây. Đặc điểm của không gian số là môi trường rất dễ xóa dấu vết, nếu đối tượng phát hiện cơ quan chức năng theo dõi để xử lý, thì có thể lập tức xóa thông tin và làm các thủ đoạn tinh vi khác để tẩu tán hàng hóa.
Khi kiểm tra trên các nền tảng mạng xã hội, có những đối tượng đã livestream bán hàng nhưng thực tế không có hàng, mà sau khi nhận được đơn thì mới đặt hàng của các đối tượng khác, rồi vận chuyển từ biên giới, từ nơi sản xuất, tập kết về các chung cư, nhà ở và thông qua hệ thống chuyển phát nhanh để giao hàng.
“Năm 2023 là năm đầu tiên triển khai đề án 319, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành xử lý được 676 vụ vi phạm - con số còn tương đối khiêm tốn so với quy mô vi phạm hiện nay trên môi trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang cố gắng để đạt được mục tiêu đề án đặt ra, đến năm 2025 sẽ có những biện pháp tốt hơn, áp dụng công nghệ tiên tiến hơn trong công tác phòng chống, ngăn chặn gian lận thương mại”, ông Lê bày tỏ.
Về giải pháp, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng cần đồng bộ các giải pháp và có sự phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Trước hết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng cần tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai các kế hoạch chuyên đề chống gian lận, buôn lậu hàng giả, hàng nhái, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết.
Thứ hai, nắm chắc tình hình tuyến đường, địa bàn, đối tượng; tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các cấp, ngành một cách thường xuyên liên tục; kết hợp chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng liên tỉnh liên tuyến phối hợp chặt chẽ ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại trên các tuyến biên giới, đường biển, đường bộ có cửa khẩu và đường hàng không.
Thứ ba, xử lý nghiêm túc những hành vi bao che, bảo kê tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu, tăng cường tuyên truyền đến người dân doanh nghiệp về tác hại của những vấn đề này.
Thứ tư, người dân cần nói không với hàng hoá gian lận, đây là một công tác hữu hiệu trong công tác chống buôn lậu, hàng nhái, hàng giả trong thời gian tới.