Vừa qua, tôi và nhiều phóng viên có mặt ở sân bay Nội Bài để đón một đoàn học sinh Việt Nam vừa giành chiến thắng tại kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế. Với niềm tự hào dân tộc, trong chúng tôi ai cũng vui mừng khi chờ máy bay hạ cánh.
6 giờ tối, chuyến bay từ Băng Cốc hạ cánh tại Nội Bài, ở ngoài sảnh sân bay có nhiều người nhà và lãnh đạo các ban ngành đón các em. Tất cả đều vui mừng vì lần này chúng ta đoạt được 3 HCV, 1 HCB. Những bó hoa tươi thắm thay cho tấm lòng của triệu người dân Việt được lãnh đạo bộ GD&ĐT trao tận tay các em.
Câu chuyện học tập của những nhà vô địch chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả vào ngày mai. Nghĩ vậy nên tôi phỏng vấn một nam sinh 2 lần liên tiếp giành được HCV tại kỳ thi này.
Bất chợt, tôi nhìn ra ngoài cửa của sân bay. Đó là Hoàng Nghĩa Tuyến - học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, người đã giành HCB ở kỳ này. Trong khi 3 nhà vô địch đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ truyền thông chúng tôi, thì Tuyến đang đứng một mình, cầm điện thoại và chờ một điều gì đó. Trong đôi mắt của cậu học trò 17 tuổi ấy, tôi thấy rõ nỗi buồn và sự lạc lõng. Nó còn chất chứa nhiều cảm xúc hơn nữa nhưng ngôn từ của tôi dường như bất lực để có thể diễn tả hết được.
Trong phút giây ấy, thực sự tôi cảm thấy tội lỗi. Cánh phóng viên chúng tôi đã quên mất rằng đoàn Việt Nam lần này giành được 4 huy chương chứ không phải 3. Tôi chạy đến cạnh Tuyến, bắt gặp một nụ cười thân thiện của chàng thanh niên xứ Nghệ, bắt đầu những câu chuyện vui về cuộc sống, về gia đình em. Nhưng có lẽ, sự cố gắng có chủ đích của một người trưởng thành không làm xua tan đi ánh mắt gượng gạo của cậu bé, chắc chắn Tuyến đang nghĩ rằng mình là kẻ về nhì.
Tôi nhớ về trận chung kết môn Bóng đá nam Seagame năm 2009, U23 Việt Nam bị hạ gục trước Maylaysia trong trận chung kết. Dĩ nhiên, bao trái tim hâm mộ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối. Có những người thất vọng, quẳng cả cờ, quạt, khăn, mũ mà mình đã chuẩn bị, đáng lẽ dùng để xuống đường... ăn mừng cùng đội tuyển.
Xưa nay, trong xã hội vốn thế, người nhất luôn được tung hô còn kẻ về nhì chẳng mấy khi được một chút an ủi. Nhưng khó có thể nói về nhì là may hay rủi, khi cuộc đời là một đường đua rất dài, không phải là một trận đấu hay một kỳ thi. Người về nhì có cơ hội được lùi về sau một bước, bình tĩnh, không áp lực để nhìn nhận, soi xét lại bản thân mình.
Tôi nghĩ về 2 từ “fair play” trong thể thao. Và thiết nghĩ, công chúng và cánh báo giới chúng tôi cũng phải làm điều đó với những người về nhì. Đôi khi, khoảng cách giữa số một và số hai là rất ngắn, người ta về nhì không phải họ muốn vậy, họ đã cố gắng vì màu cờ sắc áo.
Trở lại với Tuyến – nam sinh giành HCB. Sau khi rời sân bay Nội Bài, tôi điện thoại cho lãnh đạo sở GD&ĐT Nghệ An để chúc mừng. Và hôm sau, trên báo chí, tôi thấy được sự tự hào của lãnh đạo Sở này về cậu trong buổi lễ đón tiếp thân mật ở quê nhà.
Tất nhiên, người chiến thắng luôn cần được tung hô. Nhưng nên chăng, chúng ta cần thay đổi thái độ với người về nhì!?
Công Luân
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả