Thái Nguyên: "Cuộc chiến" với nước lũ, hàng nghìn hộ dân phải sơ tán

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 2, 09/09/2024 12:35

Do ảnh hưởng của bão số 3 gây mưa lớn ở nhiều nơi, nước từ thượng nguồn đổ dồn về các sông suối gây ngập úng nhiều khu vực ở Thái Nguyên. Toàn tỉnh hiện đã sơ tán khẩn cấp gần 2.000 hộ dân.

image

Mưa lớn trong hai ngày 7 và 8/9 khiến nước từ thượng nguồn đổ dồn về làm cho nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngập cục bộ. Đến sáng 9/9, 17 xã, phường nằm ven sông Cầu đã bị ngập sâu, nhiều khu vực bị cô lập, gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân.

Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, các xã, phường như Quang Vinh, Sơn Cẩm, Tân Long, Phúc Hà, Quan Triều, Chùa Hang, Cam Giá, Linh Sơn, Huống Thượng, Túc Duyên, Gia Sàng, Hương Sơn, và Hoàng Văn Thụ đều đang phải gánh chịu những thiệt hại do trận lũ này gây ra. Nước lũ dâng cao đã khiến cho nhiều tuyến đường bị ngập, gây cản trở giao thông.

Thái Nguyên:

Ngập úng khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên bị chia cắt (Ảnh: NVCC).

Tại phường Quang Vinh, lực lượng chức năng đã phải tạm cấm lưu thông tại khu vực giao cắt giữa đường Hùng Vương và đường Phan Đình Phùng, cùng với các tuyến đường vào chợ Túc Duyên và các khu vực lân cận sông Cầu.

Thái Nguyên:

Để đảm bảo an toàn, tại nhiều tuyến đường lực lượng chức năng đã phải tạm cấm lưu thông (Ảnh: NVCC).

Bà Thu Trang, một người dân sống tại thành phố Thái Nguyên, chia sẻ: “Đêm qua, nước dồn về rất nhanh, Thái Nguyên cả đêm không thể ngủ. Sáng nay, đê tại khu vực số 7 phường Túc Duyên đã bị vỡ, nước đã ngập khắp nơi và hiện đang mấp mé mặt cầu Bến Tượng và Gia Bẩy. Nếu tình hình không cải thiện, giao thông từ Tp.Thái Nguyên sang một số huyện khác sẽ bị cắt đứt”.

Thái Nguyên:

Nước lũ đang ngập mấp mé mặt cầu Gia Bẩy, Thái Nguyên (Ảnh: NVCC).

Trước tình hình khẩn cấp này, lực lượng chức năng đã khẩn trương tiến hành di dời gần 2.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Công tác di dời diễn ra khẩn trương với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị, nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.

Thái Nguyên:

Phương tiện khai thác cát của doanh nghiệp sắp trôi theo dòng nước (Ảnh: NVCC).

Ngoài ra, thành phố cũng đã tạm cấm người và phương tiện qua các cầu Gia Bẩy, Bến Tượng, và Mỏ Bạch để giảm thiểu rủi ro cho người dân và đảm bảo an toàn giao thông.

Chị Mai (người dân sống tại Tp.Thái Nguyên) thông tin: "Tình hình rất nghiêm trọng. Mưa lớn liên tục đã khiến nước từ sông Cầu dâng cao, ngập nhiều khu vực. Chưa bao giờ tôi thấy nước lên nhanh như vậy. Nhiều nhà cửa và ruộng vườn của chúng tôi đã bị ngập, điện cũng đang bị ngắt".

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ sau bão số 3, ngay trong đêm qua 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn với các sở, ngành, lực lượng công an, quân đội để chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ.

Hiện, các địa phương trong tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tại chỗ triển khai các biện pháp cấp bách hỗ trợ nhân dân sơ tán và di chuyển tài sản ra khỏi vùng ngập lụt, nguy hiểm đến nơi an toàn.

Lãnh đạo các địa phương, các ngành chức năng trực tiếp đi kiểm tra tại những khu vực, công trình trọng điểm, xung yếu, như: Các công trình đê điều, vị trí, khu vực bị sạt lở đất và có nguy cơ sạt lở cao; các khu vực bị ngập... để kịp thời chỉ đạo triển khai biện pháp ứng phó, xử lý các tình huống xảy ra.

Tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả

Thông tin cập nhật mới nhất, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ có 2 người mất tích tại xã Văn Lăng. Thiệt hại về nhà ở, 10 hộ dân ở các xã Văn Lăng, Tân Long, Minh Lập, Hợp Tiến, Văn Hán bị tốc mái nhà.

Về giao thông, hiện nay, mực nước tại các ngầm tràn, đường tràn cơ bản đang rút. Còn một số điểm ngầm tràn, đường tràn đang ngập nước tại xã Hòa Bình. Các điểm bị ngập đã được đặt biển cảnh báo, rào chắn và có lực lượng canh gác theo quy định.

Tình trạng sạt lở đất ảnh hưởng đến đường giao thông: Đường tỉnh 273 đoạn qua xóm Trung Thành, xã Hòa Bình, bị sạt lở taluy âm; đoạn đường đèo Nhâu, xã Văn Hán, có 4 điểm sạt lở, xã đã cử lực lượng trực và căng dây cảnh báo theo quy định.

Mưa lớn gây ngập úng cục bộ, nguy cơ sạt lở tại một số khu dân cư ở các xã Văn Lăng, Hóa Trung, Văn Hán, Khe Mo, Nam Hòa, thị trấn Hóa Thượng, các địa phương đã di dời 102 hộ đến nơi an toàn (trong đó 20 hộ có nguy cơ sạt lở đất, 81 hộ bị ngập úng).

Thái Nguyên:

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở vùng có nguy cơ ngập lụt tại phường Tân Phú (Tp.Phổ Yên) di dời đến nơi an toàn. Ảnh: BTN

Hàng trăm người gồm bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh niên, lực lượng xung kích đã tham gia hỗ trợ nhân dân di dời người, tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai ước khoảng 826 triệu đồng.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đồng Hỷ cùng các xã, thị trấn đang tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai, tìm kiếm nạn nhân mất tích do bị lũ cuốn tại xã Văn Lăng.

Đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát, thống kê thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, có phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”...

Tại Tp.Phổ Yên có khu vực Phú Cốc (gồm 4 tổ dân phố: Bến Cả, Đồng Lẩm, Đình Phú Cốc và Lợi Bến) với khoảng 400 hộ dân, thuộc phường Tân Phú, bị ảnh hưởng khi mực nước sông Cầu dâng cao, nguy cơ xảy ra ngập lụt vùng ven sông, sạt lở bờ sông và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở hai bên bờ sông.

Tính đến 10 giờ ngày 9-9, phường đã vận động, di dời 9 hộ đến Hội trường đa năng bảo đảm an toàn (chủ yếu là những hộ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn).

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phường Tân Phú tiếp tục theo dõi mực nước sông Cầu và sẵn sàng triển khai phương án vận động, hỗ trợ nhân dân di dời khỏi vùng ngập lụt theo kế hoạch.

Còn trên địa bàn huyện Đại Từ tiếp tục có mưa to và gió giật mạnh, khiến mực nước ở nhiều sông, suối dâng cao, gây ngập úng cục bộ, chia cắt tại một số xã, thị trấn và trường học; nhiều hộ dân phải di dời người và tài sản...

Thái Nguyên:

Sạt lở đất đồi tại xã Phú Lạc (Đại Từ). Ảnh: BTN

Theo báo cáo sơ bộ, có 28 hộ dân bị tốc mái nhà ở, nhà bếp và xưởng sản xuất; gần 300ha lúa bị rạp đổ, ngập úng; 6,9ha cây ăn quả, gần 8ha rau màu, 2,5ha rừng bị gẫy đổ…; ước tính thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng.

Đến 17 giờ 00 phút ngày 8/9, trên lưới điện tỉnh đã ghi nhận 10 phân đoạn đường dây trung áp gặp sự cố, gây mất điện trên diện rộng cho 10.321 khách hàng sinh hoạt. Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hơn 297 triệu đồng.

Mưa lũ đã gây ra tình trạng đổ, nghiêng của 24 cột điện các loại, làm gián đoạn nghiêm trọng nguồn cung điện cho người dân. Nhiều khu vực bị ngập sâu, gây khó khăn cho công tác khắc phục. Đại diện Công ty Điện lực Thái Nguyên, cho biết đơn vị đang nỗ lực hết sức để khắc phục sự cố, nhưng tình hình nước lũ dâng cao đã gây ra nhiều khó khăn cho việc tiếp cận các điểm bị hư hại.

Thái Nguyên:

Mưa lớn gây đổ gãy nhiều cột điện trên địa bàn huyện Định Hóa. Ảnh: BTN

Ngay sau khi xảy ra sự cố điện do mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai của Công ty Điện lực Thái Nguyên cùng các Điện lực và Trung tâm Thí nghiệm điện đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó. Tất cả cán bộ, công nhân viên tại các khu vực xảy ra sự cố đã được huy động, sử dụng máy móc chuyên dụng để khắc phục các đường điện bị đứt và cột điện bị đổ.

Công ty cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, huy động đội dân quân tự vệ từ các xã, phường để hỗ trợ chặt cây và dọn dẹp các chướng ngại vật trên đường đi.

Ngành Điện đã khắc phục được 2/10 phân đoạn đường dây trung áp, đồng thời đang tiếp tục khắc phục các điển sự cố còn lại để sớm cấp điện trở lại cho khách hàng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.