"Đồ rởm hết đấy!"
Tôi cần mua nầm dê về tiếp đãi khách quý, chạy ra cơ sở giết mổ đặt mua hàng, ông chủ là chỗ thân quen vẫn một mực từ chối, không có. Chạy ra một nhà hàng chuyên thịt dê, tôi hỏi mua nầm dê về tự nướng, chủ quán cũng từ chối với lý do khá lạ: "Mua nầm chế biến sẵn thì có, chứ nầm tươi sống thì không có đâu!". Tôi chạy một vòng, nhiều cửa hàng cũng không thể mua được nầm dê tiếp thượng khách. Chủ cơ sở giết mổ dê Đức Dũng (Hà Nội) hứa hẹn: "Khi nào đưa bạn đến đây nhậu, tôi kể chuyện nầm dê cho".
Một ngày cuối tuần, chúng tôi đến nhà Dũng nhậu. Làm thịt nốt vài con dê, vừa làm anh Dũng vừa nói: "Cà dê (ngọc dương), nầm dê là những món quý nên rất ít. Nghe nói nó là thứ bổ âm, bổ dương, tăng cường sinh lực và sự dẻo dai trong phòng the. Những thứ này, được các đại gia đặt mua với giá cao đem đi biếu sếp hết rồi. Trưa nay nhậu, mọi người thích có thể ăn đủ các loại thịt trừ hai món quý ấy là tôi không có".
Nầm dê nướng đang là món khoái khẩu của dân nhậu.
Trong cuộc nhậu, Dũng cũng chẳng giấu giếm: "Tỷ lệ dê cái được đưa đi giết mổ không nhiều đâu. Vì người mua dê chẳng bao giờ bán đi những con dê cái đang đẻ. Mà chỉ nầm dê cái đang sinh đẻ thì mới có giá trị. Mỗi một con khi giết mổ, tôi bóc ra được một vốc tay nhỏ nầm thôi. Vậy thì, các nhà hàng lấy đâu ra lắm nầm đến thế, mà ai hỏi ăn bao nhiêu cũng có. Đồ rởm hết đấy!".
Cạn ly rượu với thịt dê cũng đã đủ "bốc" anh Dũng kể chuyện, có ông giám đốc công ty thiết bị y tế vẫn thường xuyên đặt nầm dê để đi biếu gia đình bà sếp trên. "Tôi nghe anh này kể, bà sếp ấy chẳng biết nghe từ đâu nói rằng, phụ nữ khi đến tuổi xập xệ, toan về già nếu ăn nầm dê nhiều, hoặc nầm dê hầm với gân bò cộng thêm vài vị thuốc bắc sẽ cải thiện được vòng một. Thần kỳ hơn, ngoài việc tạo sự săn chắc, nâng cao cho vòng một lại tăng tiết tố nữ làm cho chuyện chăn gối vợ chồng thêm đằm thắm. Chính vì thế, bà này nghiện món nầm dê nên hôm nào ông giám đốc qua chỗ tôi mà mua được nầm dê thì mừng ra mặt".
Quan niệm ăn gì bổ nấy nên nhiều người có khiếm khuyết về cơ thể cố tìm cho mình thức ăn để bổ trợ. Người ta cứ tin thức ăn từ thịt dê sẽ giúp bổ thận, tráng dương, sinh lực như thời trai trẻ. Chính vì lẽ đó, các quán dê ngày càng nhiều mà thực khách vẫn kéo đến chật kín. Để tìm hiểu thực hư điều này, tôi tìm đến tư vấn của bác sỹ Phạm Quốc Toán (Bộ môn Y học Cổ truyền, ĐH Y Hà Nội), ông lý giải: Thịt dê có vị ngọt, tính nóng. Trong 100g thịt dê có 17,5% protit, 40% là lipit. Thịt dê không độc, có tác dụng trợ dương, bổ huyết, chữa lao phổi, người gầy yếu. Nếu ăn liên tục 30 - 40g/ngày các món ăn chế biến từ thịt dê, có thể khỏi gầy yếu, đau lưng, dương sự kém, khí huyết hư tổn, ra nhiều mồ hôi. Đặc biệt, rất tốt cho phụ nữ gầy yếu, ít sữa sau khi sinh nở.
Bác sỹ Toán cho rằng, hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc. Tinh hoàn dê có tác dụng trị thận suy, liệt dương, hoạt tinh. Người ta thường dùng ngọc dương hấp rượu, ngâm rượu thuốc... Dạ dày dê chữa gầy yếu, tiêu hoá kém, buồn nôn sau bữa ăn. Gan dê (dương can) có thể điều trị những trường hợp mờ mắt sau cơn bệnh (nấu chín nhừ, ăn 30-60g/ngày). Tiết dê pha với rượu trắng 40 độ chữa bổ huyết, đau đầu, chóng mặt, đau lưng. Cật dê (thận dê) có thể ăn và chế biến thành các món như cật heo. Tuy nhiên, cật dê thường được nướng hoặc hấp với hành tây (trưng cách thuỷ). Các món ăn chế biến từ cật dê có tác dụng trị suy nhược, lãng tai, đổ mồ hôi. Cao dê toàn tính làm thuốc bổ.
Hơn một tạ "nầm dê" không rõ xuất xứ đang được chia lẻ để đưa đến các nhà hàng.
Hoảng hồn công nghệ làm nầm dê giả
Có lẽ vì các bộ phận của dê là thuốc quý, và cái gì càng hiếm, càng quý nên nầm dê được săn lùng và bị làm giả nhiều nhất. Anh Dũng tiết lộ: "Một lần ra Móng Cái (Quảng Ninh), tôi được người bạn cho biết về đường đi của nầm dê. Cái thứ được coi là nầm dê chúng ta ăn chỉ là nầm lợn xề thậm chí đó là "nầm dê công nghiệp". Cách để người ta sản xuất ra nầm dê thật đơn giản, mỡ lợn thu gom về, được tẩm ướp những hoá chất làm tăng độ giòn sau đó dùng công nghệ ép tạo thành từng miếng. Sau quá trình cán, ép ấy chỉ cần nhuộm màu, ướp hương liệu vậy là người ta có thể tạo ra cả tấn nầm dê để đánh lừa thực khách".
Cũng có một cách để sản xuất nầm dê nhưng số lượng không nhiều như mong muốn đó là sử dụng nguyên liệu nầm lợn. Chúng tôi đã tìm đến chợ Long Biên, Mễ Trì Hạ (Hà Nội) nơi được coi là "thủ phủ" nội tạng càng hiểu hơn vị đắng của nầm dê. Khi hỏi mua nầm dê với số lượng lớn để mở nhà hàng, chị bán hàng nói luôn: "Ở đây có đủ các loại nầm từ loại một đến loại ba tuỳ theo sở thích giòn, dai và bình thường". Chị bán hàng hồ hởi: "Nếu lấy thường xuyên, số lượng lớn giá cung cấp là 180 ngàn đồng một ký". Tôi thấy những miếng nầm dê trắng hếu đã bóc sạch hết da nên băn khoăn ướp làm sao cho màu đẹp, hết hoi. Chị bán hàng mang ra những bịch nilon chứa một loại hoá chất gì đó có màu vàng, lỏng sền sệt. "Đây là bột ướp đảm bảo khi nướng nầm dê sẽ có mùi thơm, ngon mà độ giòn khỏi chê...", chị bán hàng khẳng định.
Anh Dũng khẳng định, một kg nầm lợn chỉ có giá 130 ngàn đồng, nếu chỉ bóc trắng giả làm nầm dê, người bán hàng đã lãi 50 ngàn đồng rồi, còn nầm dê thật giá không dưới 550 ngàn đồng/kg. Với giá như thế, nếu nhà hàng bán trung bình một đĩa nầm nướng với giá 80 ngàn đồng chắc không ai dám kinh doanh. "Tôi đã làm nghề giết mổ bán thịt dê 10 năm nay. Tôi khẳng định, tất cả nầm dê bán ở các chợ đều là nầm rởm!". Theo anh Dũng, nầm dê thật rất nhỏ, với các loại nầm mà quán dê của Hà Nội có để bán hàng thì chắc con dê được giết thịt phải nặng 200kg, trong khi dê thịt ngon nhất chỉ tầm 20kg/con. Hơn nữa, nầm dê thật chỉ bằng một bàn tay úp và vú vẫn còn dính lớp da của dê, chứ không có chuyện lột sạch da như loại vú dê đang bán tràn lan ở các chợ đầu mối như hiện nay.
Ông chủ cơ sở giết mổ thịt dê khẳng định: Dân nhậu toàn "xơi" phải nầm dê rởm!
Nghe chuyện của anh Dũng, hoá ra cả làng nhậu đang ăn nầm dê rởm mà vẫn tấm tắc khen ngon. Chưa hết, anh Dũng còn khẳng định, thịt dê, nhất là dê núi vẫn được coi là quý nên số lượng không nhiều. Cả nước cũng chỉ có vài nơi cung cấp thịt dê, nhưng các nhà hàng chuyên dê thì nhan nhản khắp nơi. Do đó, thịt dê thật cung cấp cũng không đủ nói gì đến nầm dê. Anh Dũng cho biết: "Hiện nay có một loại thịt giả thịt dê đánh lừa thực khách đó là thịt cừu loại có xuất xứ từ Tung Cẩu (Trung Quốc). Loại này được giết thịt, ướp hoá chất nhập lậu qua biên giới, thậm chí các thương lái đem cả con sống vào thị trường nội địa giết thịt đem về tiêu thụ trong các nhà hàng. Loại thịt này ăn không khác gì thịt dê mà giá chỉ 150 ngàn đồng/kg trong khi dê núi được bán với giá hơn 400 ngàn đồng/kg. Việc "treo đầu dê bán thịt chó" (theo đúng nghĩa) khiến cả người sành ẩm thực cũng có thể bị lừa. Và đương nhiên, đã là thịt cừu thì đâu có bổ như thịt dê để mà... "phừng phừng như dê".
Tôi chợt nhớ đến vụ cơ quan chức năng bắt hàng tấn thịt dê đang bị phân huỷ để cung cấp cho nhà hàng Dũng râu bất giác giật mình. Thật giả khó lường, chỉ biết thượng đế mê món thịt dê đang có nguy cơ mất tiền rước thêm bệnh.
Mầm bệnh ung thư Băn khoăn về chuyện nầm dê "sản xuất công nghiệp", tôi hỏi TS. Nguyễn Văn Quang (Viện Hoá học Công nghiệp), ông cho biết: "Thực chất, với một loại thực phẩm nào cũng có thể tạo ra một loại khác tương ứng để thay thế. Chúng ta từng nói đến mực cao su có thể được cán ép bằng sơ bột sắn, thì chuyện ép mỡ thành nầm dê cũng không khó. Người có nghề, phân tích được thành phần và sử dụng hoá chất tạo ra sản phẩm có cấu tạo tương ứng là không khó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, đây không phải tạo ra thực phẩm ăn chay mà việc sử dụng hoá chất biến nầm lợn, hay ép mỡ lợn thành nầm dê sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Cũng theo ông Quang, hiện nay có những thực phẩm đông lạnh, tươi sống đang lạm dụng phoóc môn để ướp nhằm giữ lâu hơn. Loại hoá chất này thường chỉ được dùng để ngâm xác động vật và dùng cho mục đích nghiên cứu khoa học. Hóa chất này tuyệt đối bị cấm sử dụng cho bất cứ loại thực phẩm nào bởi nó chính là một trong những tác nhân chủ yếu gây mầm bệnh ung thư nguy hiểm. |
Minh Khánh