Tháng giêng là...

Văn Công Hùng

Văn Công Hùng

Thứ 4, 12/02/2025 07:00

Chúng ta để ý, hầu như năm nào, sau tết, cơ quan chức năng lại có công văn về lễ hội, những là tiết kiệm, những là không tràn lan, những là vân vân...

Xưa nước ta là nước nông nghiệp toàn tòng, lễ hội là một cách xả hơi sau những ngày cuốc bẫm cày sâu vất vả, và nó thường được tổ chức vào hồi nông nhàn, và người ta chú trọng vào phần lễ. Sự hiểu biết có hạn, người ta bèn tin vào những bí ẩn của tự nhiên. Cả những bí ẩn họ thấy nhưng không lý giải được, và có bí ẩn do họ tưởng tượng ra. Các lễ hội trải dài trong năm, nhưng tập trung nhất là vào tháng giêng. Các cụ chả đã có hẳn câu "tháng giêng là tháng ăn chơi" đấy thôi. Cứ thế ngút ngát lễ, tất nhiên có kèm hội, nhưng phần lễ luôn là trước, và là phần trọng. Ngoài phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, nhân dân coi như đây cũng là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi, giới trẻ bây giờ gọi cho thời thượng là relax, để rồi lại về với con trâu cái cày, về với công việc thường nhật của từng người.

Và thường là, người ở vùng nào đi lễ hội vùng ấy, nó phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng yếu tố chính là thời gian và kinh phí. Đi xa phương tiện rất khó khăn, các cụ đeo tay nải đi bộ lúc nào mới tới, và rõ ràng là cũng tốn kém hơn, dẫu chỉ là tốn kém kiểu cơm nắm muối vừng...

Những năm gần đây, đời sống có khá hơn, phương tiện hiện đại hơn, đường sá thuận lợi hơn vân vân, và, cách nghĩ, lối sống cũng thay đổi. Du xuân là một trong những nhu cầu có thật, nhu cầu chính đáng và văn hóa. Và du xuân kết hợp với lễ hội là một lựa chọn hết sức hợp lý, là sự tổng hòa hợp lý của những nhu cầu của cá nhân và cộng đồng, nên có những người dành nguyên tháng giêng để đi các lễ hội khắp nước, mới thấy Bắc Ninh đã lại An Giang, mới Tây Ninh đã lại Lạng Sơn...

Tuy thế, và cũng vì thế mà có một số những hệ lụy từ các lễ hội đầu xuân, mà chính phủ năm nào cũng nhắc.

Tháng giêng là...- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Một là kéo dài lễ hội. Một dạo, sau tết, cán bộ công nhân viên nhà nước tới cơ quan là nghĩ cách và tìm cách đi... lễ hội. Rất nhiều lý do để đi, hợp lý hóa để đi. Thì sau đấy có lệnh cấm xe biển xanh đi lễ hội. Và nhiều vụ báo chí phát hiện, đăng ảnh xe biển xanh đậu... bên rìa lễ hội, và tất nhiên đều được giải thích là đi... kiểm tra lễ hội.

Hai là sự biến tướng của các lễ hội. Biến tướng nặng nhất là hợp thức hóa sự mê tín. Rất nhiều câu chuyện bí hiểm được tung ra, kể lại, nhiều lời sấm được truyền, những là cầu gì được nấy, duyên được duyên, lợi được lợi, nên mới có chuyện năm nào đó, có hẳn một tờ sớ xin chức đốt không hết trôi xuôi theo suối bị vớt lên và... truyền bá. Rồi cầu tiền, mà bà chúa Kho được đồn là thiêng lắm, vay gì được nấy, sau 1 năm có lời thì tới cám ơn xin tiếp, mà lỡ có thất bát thì vẫn tới để... xin nhắc lại, cứ kiên trì sẽ thành công. Được biết bà chúa Kho là một nhân vật huyền thoại, và bà mới thiêng khoảng vài chục năm nay, từ khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường. Dân làm ăn kháo nhau cứ đến bà xin vía thì sẽ ăn nên làm ra, bà phù hộ cho làm gì được nấy vân vân...

Và ba, những rắc rối liên quan tới... tiền. Chỗ nào cũng thấy hòm công đức, nhưng rồi cụ thể ra làm sao rất ít được công khai, dẫu năm nào cũng có những chấn chỉnh. Ngoài số có điều kiện cúng dường bài bản, từ nhiều tới rất nhiều tiền, thì số tiền lẻ được dắt vào bất cứ nơi nào có thể dắt khiến những không gian ấy rất buồn cười. Tiền lẻ được dắt vào cả tai, bụng, khoeo chân... tượng, thả lềnh phềnh trong các bể cạn, trên cành cây, tóm lại là bất cứ chỗ nào có thể... nhét tiền vào.

Rồi là "quan họ nón", tức là hát quan họ và ngả nón nhận tiền, năm nào cũng được/ bị nhắc, gần đây đã rất đỡ, nhưng đã từng xảy ra, nó làm nhếch nhác lễ hội.

Mới nhất, một nhóm cướp tới năm mươi người tấn công một gia đình giữa thanh thiên bạch nhật ở một ngôi chùa để cướp. Nó là đỉnh của sự loạn. Trước đấy, chả năm nào không xảy ra chuyện như thế, nhưng nhỏ hơn nên được bỏ qua, từ chuyện chém tiền gửi xe, tới mua đồ cúng, tới dẫn đường, ăn uống bị chém. Có hồi trên đường lên chùa có rất nhiều nhà hàng bày/ treo động vật hoang dã, hoặc được giới thiệu là động vật hoang dã, để bán, và người hành hương lên chùa lễ phật khi quay xuống hân hoan ăn. Nhớ hồi làm bộ trưởng bộ Văn Hóa, ông Phạm Quang Nghị đã có lần trực tiếp dẫn quân đi kiểm tra việc này.

Còn nhiều việc nữa, nó khiến cho lễ hội nói chung, lễ hội đầu xuân nói riêng, mất đi cái sự vừa thiêng liêng vừa ấm áp của mùa xuân, mất đi cái phơi phới kiểu "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/ Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ/ Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay"...

Nhưng nói gì thì nói, những lễ hội đầu xuân nó làm nên một bản sắc văn hóa Việt, nó khiến cho người Việt yêu và nhớ quê hơn, thanh thản và nhẹ nhàng hơn, sống nhiều cảm xúc hơn. Việc của chúng ta là cố gắng bảo vệ những lễ hội ấy cho nó đúng là lễ hội, nó không trở thành gánh nặng, không kìm hãm sự phát triển, không khiến năng lượng con người bị hao hụt...

Những năm gần đây, có thêm một lễ hội văn hóa tham gia vào những lễ hội tháng giêng của dân tộc là ngày thơ Việt Nam. Dù còn nhiều ý kiến này kia, nhưng dù muốn dù không, sự xuất hiện của ngày thơ vào rằm tháng giêng hàng năm cũng làm phong phú thêm đời sống con người. Tất nhiên cũng như mọi hiện tượng khác, không phải ai cũng thích thơ và việc tổ chức ngày thơ dàn trải trên cả nước. Nhưng có một nhóm công chúng, một nhóm nhà thơ yêu thơ và tôn vinh thơ vào ngày này cũng là một cách tôn vinh và tôn trọng văn hóa.

Thì tận cùng nỗi khổ như nhà thơ Phùng Quán, rượu chịu văn chui mà ông vẫn viết: "Những khi buồn tôi vịn câu thơ đứng dậy". Và mới nhất, năm nay, một việc rất cảm động tôi vừa đọc trên facebook nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Xuân này là gần 100 ngày mất của nhà thơ Trần Quang Đạo. Nguyễn Hữu Quý bàn với vợ là nên tổ chức viếng bạn, đọc thơ cho bạn nghe. Thế là ông điện cho một đàn em yêu thơ và quý nhà thơ Trần Quang Đạo ở Đà Nẵng. Anh này chở thêm mấy bạn nữa từ Đà Nẵng ra Quảng Trị đón vợ chồng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý rồi chạy tiếp ra Quảng Bình, nơi an nghỉ của Trần Quang Đạo. Và dưới mưa lút thút, Nguyễn Hữu Quý đọc ba bài thơ viếng Trần Quang Đạo. "Tôi đọc trong nước mắt mấy bài thơ của mình viết cho Trần Quang Đạo. Tiếng mưa rơi tí tách trên chiếc ô che. Đọc xong bài nào, các em lấy đi và hoá cho bạn tôi. Đặng Hiếu Dân thì mở máy điện thoại cho thi sĩ nghe lại một ca khúc mà Trần Quang Đạo đã phổ thơ của em ấy.

Và, có một điều lạ là khi tôi đọc xong 3 bài thơ trời bỗng ngừng mưa. Không gian như cũng ấm hơn hay sao ấy, những ngọn khói cuộn tròn ngan ngát trên mấy đầu nhang.

Đạo ơi, thế là mùa xuân này bạn cũng có một "Ngày thơ" đấy nhé. Mình nghĩ, đây là một ngày thơ "đặc biệt" với chúng ta vì nó được tổ chức ngay trên quê hương của bạn với những yêu thương không nói hết. Những câu thơ không được thả lên trời mà nó được đốt thành tro rồi tan thấm vào đất mẹ. Tấm lòng thành của vợ chồng mình, của anh em bè bạn đó, Đạo ơi"... Rất nhiều người đã bày tỏ sự xúc động khi đọc câu chuyện này của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trên facebook của anh.

Và bây giờ, du lịch được coi là một trong những mũi nhọn của nền kinh tế, thì các lễ hội được mở ra, chính là một cách thu hút du lịch để giúp đất nước tăng trưởng kinh tế, mà một trong những mục tiêu của chúng ta là sau năm 2025 này sẽ tăng trưởng 2 con số. Lễ hội, dẫu khiêm tốn, cũng sẽ góp phần vào sự tăng trưởng ấy. Tất nhiên nếu nó được nhìn nhận và đặt đúng mức, đúng chỗ...

* Bài viết thể hiện quan điểm tác giả 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.