Thay "Nợ" thành "Chậm đóng" BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa vừa có báo cáo thống kê tình hình chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tính đến hết quý II/2024.
Theo đó, có gần một nghìn đơn vị chậm đóng lên tới số tiền hàng trăm tỷ đồng. Có nhiều đơn vị chậm đóng nhiều năm, thậm chí gần 10 năm với số tiền rất lớn hàng chục tỷ đồng.
Đơn cử như Công ty TNHH FLC SAMSON GOLF & RESORT có 358 lao động (chậm đóng 39 tháng) với số tiền 31,428 tỷ đồng. Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Thanh Hóa (chậm đóng 91 tháng) với số tiền 17,108 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Lilama 5 (chậm đóng 57 tháng) với số tiền 11,559 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (chậm đóng 20 tháng) với số tiền 4,534 tỷ đồng. Công ty TNHH Một thành viên JLG Vina (chậm đóng 49 tháng) với số tiền 5,801 tỷ đồng …
Các doanh nghiệp có số tiền chậm đóng lớn, lao động ít hoặc đã giảm hết, thời gian chậm đóng kéo dài, đã thực hiện thanh, kiểm tra nhiều lần nhưng không thu hồi được tiền chậm đóng như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838; Công ty Cổ phần Công nghiệp Tàu thủy Hoàng Long; Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp.2; Công ty Cổ phần Thiện xuân - Lam Sơn; Công ty TNHH Hà Thịnh - Hà Trung; Công ty TNHH Chế biến hải sản Ngọc Sơn; Công ty Cổ phần Sản xuất, thương mại và Dịch vụ Vận tải An Huy - Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Bỉm Sơn Viglacera…
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong số các đơn vị chậm đóng BHXH có 604 doanh nghiệp chậm đóng số tiền 130 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Số đơn vị này đã dừng hoạt động, hoặc chỉ có vài lao động. Số tiền chậm đóng này rất khó thu hồi, một số đơn vị không thể thu hồi được.
Theo ông Tuấn, từ tháng 4/2023, BHXH Việt Nam có quy định thay thế từ "Nợ" thành "Chậm đóng" BHXH. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về việc "chậm đóng", chậm 3 tháng vẫn là chậm và chậm 10 năm vẫn tính là chậm.
Chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN có nguyên nhân khách quan là sau đại dịch Covid-19 tình hình kinh tế của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Các doanh nghiệp này sử dụng lực lượng lao động rất lớn, khi chậm đóng thì số tiền "nợ" sẽ rất lớn… Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật đóng BHXH của một số doanh nghiệp chưa tốt.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã thường xuyên gọi điện, ban hành văn bản đôn đốc, nhắc "nợ" các đơn vị đóng BHXH. Tiến hành thanh kiểm tra, xử phạt các đơn vị chậm đóng, ngoài ra còn công bố thông tin các đơn vị này lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc thu hồi số tiền chậm đóng vẫn gặp khó khăn, một số doanh nghiệp chậm đóng không thể thu hồi.
Doanh nghiệp chậm đóng BHXH ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa cho hay, Luật BHXH quy định, đóng BHXH là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.
Nguyên tắc, người lao động đóng BHXH tới đâu thì thụ hưởng tới đó. Nếu đơn vị chậm đóng BHXH thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động. Khi nào chủ sử dụng lao động đóng bổ sung số tiền chậm đóng thì người lao động mới tiếp tục được thụ hưởng quyền lợi.
Ông Tuấn thông tin, thực tế, người lao động đã trích một phần lương và thu nhập của mình thông qua chủ sử dụng lao động để đóng cho BHXH. Tuy nhiên, chủ sử dụng lao động không đóng BHXH cho họ, nên khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không được hưởng quyền lợi giống như người đã đóng đầy đủ.
Nhiều lao động đủ tuổi nghỉ hưu, đủ năm đóng BHXH theo hợp đồng lao động với doanh nghiệp tới BHXH tỉnh Thanh Hóa thắc mắc việc này. Tuy nhiên, Luật BHXH hiện hành quy định chỉ tính số năm đóng thực tế và giải quyết quyền lợi theo số năm đã đóng tại BHXH.
Ông Đinh Trọng Vân, Phó Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra BHXH tỉnh Thanh Hóa cho hay, Luật BHXH hiện hành không cho phép người lao động đóng số tiền chậm đóng của chủ sử dụng lao động.
Đây cũng là một bất cập và thiệt thòi cho người lao động, vì thực tế nhiều người đã trích tiền đóng cho chủ sử dụng lao động như họ không đóng cho BHXH.
Dự thảo Luật BHXH sắp tới đã cho phép người lao động được đóng tiếp phần "nợ" BHXH do chủ sử dụng lao động chậm đóng. Hơn nữa, người lao động chỉ phải đóng số tiền gốc, còn lãi và tiền phạt "chậm đóng" do chủ sử dụng lao động đóng.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng phòng quản lý thu – sổ, thẻ BHXH tỉnh Thanh Hóa thông tin, gần đây, tỷ lệ số tiền chậm đóng trên tổng số tiền thu của BHXH tỉnh Thanh Hóa ngày càng giảm.
Hằng năm, BHXH Việt Nam đều giao tỉ lệ phần trăm số tiền chậm đóng cho các đơn vị trong đó có BHXH tỉnh Thanh Hóa. Số tiền chậm đóng của BHXH tỉnh Thanh Hóa vẫn nằm trong phạm vi cho phép và tỉ lệ giao của BHXH Việt Nam.