Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!...
Dường như Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đang cố thực hiện đúng với lời hứa của mình khi mà so với người tiền nhiệm, ông có vẻ kiệm lời hơn và cũng ít xuất hiện trước các cuộc phỏng vấn của báo chí.
3 năm – khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn, đủ để dư luận nhìn lại và tạm đánh giá về những gì làm được và chưa làm được của một người đứng đầu một cơ quan, một tổ chức khi 2/3 thời gian của một nhiệm kỳ đã đi qua.
Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận trong cuộc đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 22/3.
Cũng sau 3 năm, dư luận lại đặt ra câu hỏi, vốn không mới, rằng: Chất lượng giáo dục đã được chuyển biến theo hướng tích cực hay chưa? Vấn đề việc làm và đời sống của những thầy cô giáo có được cải thiện hơn trước – với đồng lương “ba cọc ba đồng”? Những học sinh vùng cao có còn phải học trong những lớp học tranh tre nứa lá tạm bợ, nơm nớp nỗi lo sợ lũ ống, lũ quét, đất lở chôn vùi lớp học mỗi khi mùa mưa đến?...
Những câu hỏi không mới nhưng quả thực khó tìm được câu trả lời thỏa đáng. Nhìn lại sau 3 năm, tất cả vẫn bộn bề (nếu không muốn nói là còn nguyên trạng): Những chuyên gia đầu ngành và có uy tín vẫn không thôi hết bày tỏ nỗi lo lắng về chất lượng giáo dục, thậm chí còn “bắt bệnh, kê đơn”, chỉ đích danh những hạn chế của nền giáo dục hiện nay như một căn bệnh trầm kha, mãn tính.
Đâu đó vẫn còn những thầy cô giáo vẫn ngậm ngùi bỏ nghề dạy học để chuyển sang nghề khác vì lương không đủ sống ở mức tối thiểu nhất mà báo chí phản ánh.
Các học sinh vùng cao gặp muôn vàn khó khăn.
Còn gì buồn hơn khi giờ đây, mỗi khi con cái nói đến việc đăng ký thi đại học vào các trường sư phạm là nhiều bậc phụ huynh đã giãy nảy lên sợ hãi: “Muốn sau này ra trường đứng đường hay chết đói à con?”.
Và càng đắng lòng hơn khi nhiều học sinh vùng cao một buổi đến lớp, một buổi phải tự vào rừng đào chuột về ăn để thỏa mãn cơn thèm chút thịt tươi cho bữa cơm mà bình thường chỉ có chút rau rừng và ớt dầm muối làm thức ăn.
May sao, ở các em, niềm tin vào con chữ vẫn chưa bị lụi tắt. Nhưng ai dám chắc được ‘cuộc giằng co’ giữa con chữ và cái đói, cái rét ở các em còn có thể kéo dài được bao lâu nữa?
“Đây là vấn đề vĩ mô, chúng ta không thể giải quyết một sớm một chiều, phải có lộ trình, rồi thì cần sự chung tay của toàn xã hội,…”. Đó là cách giải thích của nhiều người, từ đại diện phía Bộ GD&ĐT cũng có lần nói thế. Nhưng hàng mấy chục năm qua cũng vẫn một câu giải thích như trên, không thêm không bớt. Vẫn là những vấn đề “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”.
Cũng có thể Bộ GD&ĐT đang cố giải quyết các vấn đề trên theo “đúng lộ trình” thật, có điều lộ trình này không tính bằng vài năm, bằng nhiệm kì mà tính bằng cả thế hệ, vài chục năm hoặc lâu hơn thế nữa!
‘Dấu ấn cá nhân’ của Bộ trưởng
Có lẽ một nhiệm kì của người đứng đầu ngành giáo dục cũng sẽ đi qua mà không hề để lại ‘dấu ấn’ gì (như ông đã từng khẳng định khi mới nhậm chức) nếu như không có vụ nhầm lẫn sách học vần in nhầm quốc kì Trung Quốc được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường và cuộc đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận vào ngày 22/3 vừa qua.
Vụ ‘in nhầm’ quốc kì Trung Quốc lên sách học vần và được sử dụng để dạy học sinh phổ thông có thể được xem là vụ ‘nhầm lẫn’ kinh điển có một không hai từ trước đến nay của ngành giáo dục. Trên thế giới có lẽ cũng không có nước nào mà ngành giáo dục của họ lại quản lý lỏng lẻo đến mức để xảy ra trường hợp ‘nhầm lẫn’ kì lạ và tai hại đến thế.
Nếu có, ví dụ như Nhật Bản hay Hàn Quốc chẳng hạn, chắc chắn Bộ trưởng giáo dục của họ sẽ phải (hoặc tự nguyện) xin lỗi và từ chức ngay tắp lự bởi đây không còn là chuyện nhỏ mà là chuyện lớn: thể diện và chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Vụ ‘in nhầm’ quốc kì Trung Quốc lên sách học vần và được sử dụng để dạy học sinh phổ thông có thể được xem là vụ ‘nhầm lẫn’ kinh điển có một không hai từ trước đến nay của ngành giáo dục.
Tại phiên trả lời chất vấn, khi có đại biểu hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu trước hiện tượng các bộ SGK cho học sinh bị phát hiện có hình cờ Trung Quốc hoặc bản đồ in thiếu Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian gần đây thì Bộ trưởng GD&ĐT đã ‘đá lỗi’ sang cho Luật Xuất bản, rằng: Không thể kiểm soát nổi các nhà xuất bản (NXB) sách bởi họ thực hiện đúng theo Luật Xuất bản!
Và như để ‘chữa cháy’, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng để xảy ra sự việc như trên Bộ cũng chỉ biết làm việc và sẽ xử lý nghiêm khắc NXB mà thôi. Còn đối với SGK in lậu xuất hiện trên thị trường thì Bộ… vô phương quản lý.
Trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt nội dung sách và các NXB sách trước tiên thuộc về ai nếu không phải là Bộ GD&ĐT và Cục Xuất bản (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông)?
Hiện phía Cục Xuất bản vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này mà chỉ mới có đại diện người đứng đầu Bộ GD&ĐT lên tiếng. Tuy nhiên, cách trả lời trên của người đứng đầu Bộ GD&ĐT thật khó để dư luận có thể chấp nhận bởi nó thể hiện quá rõ ràng sự thiếu trách nhiệm đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, kiểm duyệt của mình.
Cuối cùng, dù muốn hay không muốn thì với câu trả lời trên, vô hình chung, chính Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã tạo ‘dấu ấn cá nhân’ trước dư luận, một ‘dấu ấn’ mà người dân không ai kì vọng.
Theo Tri thức Việt Nam