Tụy là một cơ quan nằm sau phúc mạc, sát thành bụng sau, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Chức năng của tụy là tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non và tiết ra hormone Insulin, Glucagon đi thẳng vào máu để tham gia vào quá trình chuyển hóa Glucose của cơ thể.
Một số khối u lành tính lẫn tế bào ung thư ác tính có thể hình thành và phát triển trong tuyến tụy. Loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất là do tế bào ác tính bắt đầu từ các ống dẫn mang enzyme tiêu hóa ra khỏi tuyến tụy (ung thư ống dẫn dịch tụy). Như các căn bệnh khác ung thư tuyến tụy nếu phát hiện càng sớm khả năng điều trị thành công càng cao. Tuy nhiên bệnh hiếm khi được phát hiện ở giai đoạn đầu – thời điểm dễ điều trị nhất, vì nó thường không gây ra các triệu chứng cho đến khi khối u đã lan đến các mô lân cận, hoặc các cơ quan xa hơn thông qua hệ thống máu và bạch huyết.
Khi khối u lớn hoặc đã lan rộng, việc điều trị hoặc chữa khỏi ung thư tuyến tụy khó hơn nhiều. Tuy nhiên, chịu khó quan sát và phản ứng kịp thời với các dấu hiệu cảnh báo khi chớm xuất hiện sẽ cải thiện đáng kể cơ hội sống sót.
Một dấu hiệu cảnh báo mà chúng ta có thể nhận biết được chính là màu sắc của phân. Nếu phân có màu nhợt nhạt hoặc nhờn bóng và nặng mùi, đó có thể là một dấu hiệu của ung thư tuyến tụy. Nguyên nhân là do khối u phát triển ngăn chặn tuyến tụy sản sinh các enzyme tiêu hóa.
Bên cạnh đó, các triệu chứng khác của ung thư tuyến tụy có thể bao gồm:
Vàng da, vàng mắt
Một trong những triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của ung thư tuyến tụy là tình trạng vàng da. Vàng da do ung thư tụy là vàng da liên tục, tăng dần do u gây tắc ống mật chính làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng, hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da và nước tiểu sẫm màu. Do đó nếu phát hiện phân có màu nhợt nhạt kèm theo vàng da, vàng mắt, cần cẩn thận vì rất có thể tụy đang gặp vấn đề.
Nước tiểu màu sẫm
Ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy, nước tiểu có thể chuyển màu cam hoặc nâu. Tình trạng dư thừa bilirubin trong cơ thể khiến nước tiểu có màu sậm hơn.
Đau bụng lan đến lưng
Tình trạng đau bụng thường bắt đầu xuất hiện trước khi phát hiện bệnh khoảng 1-2 tháng và tăng dần theo tiến triển của bệnh. Tuy nhiên ban đầu thường chỉ đau thoáng qua vùng thượng vị nên dễ nhầm với viêm dạ dày. Đau thường khởi phát ở vùng thượng vị, khi bệnh tiến triển thường lan sang 2 bên và (hoặc) xuyên ra sau lưng. Cơn đau thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa.
Giảm cân đột ngột
Tình trạng sụt cân ngoài ý muốn xảy ra khi khối u lan sang các cơ quan khác và làm suy yếu chức năng, gây khó khăn trong tiêu hóa dưỡng chất và kém ăn.
Buồn nôn, nôn và chán ăn
Buồn nôn và nôn cũng là một trong những dấu hiệu nhận biết ung thư tuyến tụy. Khi khối u tăng trưởng, nó có thể chèn ép một số bộ phận của đường tiêu hóa, gây cảm giác buồn nôn và nôn. Bên cạnh đó những người bị ung thư tuyến tụy có xu hướng giảm cảm giác ngon miệng, dễ bị đầy bụng dù chỉ ăn rất ít.
Các vấn đề ở đường tiêu hóa
Sự xuất hiện và phát triển của khối u có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, táo bón, chướng bụng, đầy hơi hoặc ợ hơi. Những triệu chứng này có thể xuất hiện khi tuyến tụy bắt đầu tạo áp lực lên vùng bụng và dạ dày.
Trong một số trường hợp, người mắc ung thư tuyến tụy còn có thể gặp phải các triệu chứng khó nhận biết hơn như: Ngứa ngoài da; Thay đổi tâm trạng, bắt đầu bị trầm cảm; Thường xuyên mệt mỏi, yếu ớt; Có cục máu đông ở chân (huyết khối); Đột ngột khởi phát rối loạn dung nạp glucose (bệnh tiểu đường).
Rõ ràng việc nhận biết sớm các dấu hiệu của ung thư tuyến tụy sẽ giúp bạn có những can thiệp kịp thời để nâng cao khả năng điều trị. Do đó điều quan trọng nhất là phải chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để kịp thời phát hiện vấn đề bất thường, đặc biệt với nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư tụy như người thường xuyên hút thuốc, ăn nhiều thịt đỏ, viêm tụy mạn tính, người béo phì, bệnh nhân tiểu đường mới phát bệnh hoặc chuyển nặng và người trên 65 tuổi.
Minh Hoa (t/h)