Hiện nay, chủ trương cho học sinh đến trường học tập trực tiếp không chỉ là kế hoạch của nhà trường mà đó là chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố…
Vẫn biết, sự lo lắng của phụ huynh đối với con em mình khi đến trường là lẽ thường tình vì mỗi gia đình chỉ có 1-2 đứa con. Song, trước khi các cơ quan chức năng ở địa phương có chủ trương cho học sinh trở lại trường học tập trực tiếp thì tất nhiên đã nghiên cứu, thăm dò ý kiến rất kỹ lưỡng.
Việc có ca F0 xảy ra trong lớp, trong trường là vấn đề các nhà trường phải đối mặt và xử lý khi tổ chức cho học sinh đến trường trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp. Tại Hà Nội, sau một tuần triển khai mở cửa trường học trên diện rộng, trước nhiều tình huống thực tế, ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên các nhà trường đã phải làm việc gấp nhiều lần để chủ động đưa ra cách giải quyết tốt nhất, tối ưu nhất; vừa đảm bảo an toàn vừa duy trì chất lượng giáo dục.
Trả lời trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị, nhà giáo Trần Thị Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Sài Sơn, huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, Ban giám hiệu và các thầy cô phải có mặt từ 6h15 để thực hiện các nhiệm vụ được phân công bao gồm phân luồng học sinh từ cổng, đo thân nhiệt, hướng dẫn lên lớp, nhắc nhở phụ huynh học sinh luôn thực hiện đúng 5K, cùng với đó là công tác giám sát chung. “Rất nhiều tình huống có thể phát sinh khi học sinh đi học trực tiếp nên ban giám là người có mặt ở trường sớm nhất, về muộn nhất và đón học sinh đầu tiên vào trường”- Hiệu trưởng trường THCS Sài Sơn chia sẻ.
Ngay những ngày đầu đi học trực tiếp, các trường học phải thực hiện nghiêm túc nhiều phần việc để đảm bảo cả công tác phòng chống dịch và nhiệm vụ chuyên môn. Ngoài các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh, ban giám hiệu lên kế hoạch rà soát các nội dung, chương trình giáo viên đã dạy trong thời gian trực tuyến xem các em bị trống, hổng chỗ nào để chỉ đạo phân loại, ôn tập, bù đắp kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đó, ban giám hiệu các trường thường xuyên nhắc nhở giáo viên quan tâm đến tâm lý học sinh, có hình thức động viên phù hợp để tạo hứng thú học trực tiếp cho các em.
Với công tác phòng chống dịch, ban giám hiệu luôn rà soát công tác phân luồng học sinh ngay tại nhà, đó là những học sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc liên quan yếu tố dịch tễ thì không đến lớp. “Do làm tốt công tác này nên từ khi học trực tiếp đến nay, trường không có học sinh nào ho, sốt mà vẫn đến lớp. Tuy nhiên, có trường hợp học sinh sau khi ở trường về nhà thì phát hiện là F0. Nhận được thông tin, lập tức nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát các F1. Buổi học hôm đó, học sinh lớp có F0 sẽ di chuyển sang phòng khác học để nhà trường tiến hành khử khuẩn lớp học theo quy định”- nhà giáo Lê Thị Lâm, Hiệu trưởng trường THCS Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng cho biết.
Chia sẻ với Vietnamnet, bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, tính đến ngày 15/2, trường có 37 lớp học có F0 và chuyển sang học trực tuyến, trên tổng số 76 lớp từ khối 7 đến 12.
“Tất nhiên, nếu theo quy định thì chỉ số học sinh diện F0 và những học sinh F1 phải chuyển học trực tuyến. Tuy nhiên, phụ huynh các lớp đã làm đơn bày tỏ nguyện vọng cho cả lớp học trực tuyến. Do sĩ số các lớp của trường cũng chỉ khoảng 30, trên cơ sở nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các gia đình”, bà Dương nói.
Tính đến ngày 15/2, toàn trường có 111 trường hợp F0, trong đó có 9 giáo viên, nhân viên; 63 học sinh THPT và 39 học sinh THCS.
“Con số này đã tăng lên nhiều hơn so với một vài ngày trước bởi một số lớp khi chuyển học online vẫn báo cáo về ban giám hiệu rằng có thêm F0”, bà Dương nói.
Với yêu cầu chung của Sở GD-ĐT và TP Hà Nội, nhà trường vẫn mở cửa, lớp nào không có F0 vẫn đi học bình thường. “Nhưng có lớp sĩ số 25 thì đến ngày hôm qua 14/2 đã có đến 13 F0”, bà Dương nói.
Bà Dương cho biết, đến nay rất may, chưa có học sinh nào bị chuyển biến nặng.
Việc dạy và học là kế hoạch chung của các nhà trường. Vì thế, nếu như trước đây cả trường đều thực hiện hình thức dạy và học trực tuyến thì giáo viên sẽ đầu tư cho một hình thức dạy học này mà thôi.
Khi nhà trường đã chuyển sang dạy trực tiếp thì tất nhiên là giáo viên sẽ chuyên tâm cho lớp trực tiếp của mình vì thầy cô phải đầu tư nhiều hơn cho số đông chứ không thể hướng vào một vài em học trực tuyến được.
Tuy nhiên, kịch bản dạy học linh hoạt là một trong những yêu cầu bắt buộc mà các trường học phải thực hiện khi tổ chức cho học sinh học đến trường nhằm đảm bảo việc học không gián đoạn, kiến thức được liền mạch và không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Thực tế việc dạy học song song tại các trường cho thấy sự linh hoạt, thích ứng, sáng tạo và nỗ lực của tập thể ban giám hiệu, giáo viên trong việc duy trì nề nếp và mạch kiến thức trong dạy và học. Từ khi đi học trực tiếp, theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, tùy điều kiện khác như nhưng mỗi nhà trường cố gắng bố trí mỗi khối có ít nhất 1 lớp học kết nối thiết bị để với các học sinh ngồi nhà vẫn có thể tham gia học qua online. Do đó, hình thức trực tiếp cho học sinh đến lớp và trực tuyến cho học sinh diện F0, F1 hoặc lý do dịch tễ vẫn có thể học được chương trình như trên lớp.
Đa số các trường nội thành, mỗi lớp học đều được lắp đặt thiết bị và đường truyền tốc độ cao để học sinh không đến lớp vẫn có thể tham gia học qua zoom, tương tác trực tiếp với thầy cô và các bạn. Hình thức học này có nhiều lợi thế nhưng cũng thể hiện điểm yếu, đó là giáo viên không thể giám sát được tới từng học sinh học online; bài giảng trực tiếp soạn khác bài dạy trực tuyến; trường hợp mạng chập chờn, rớt mạng vẫn xảy ra nên không tránh khỏi tình trạng mạch kiến thức của học sinh học online không đảm bảo, nhất là với những em chưa có tinh thần chăm chỉ và ý thức tự giác.
Bởi rất lo lắng về vấn đề trên nên trong 2 tuần đầu học trực tiếp, trường tiểu học Sài Sơn A, huyện Quốc Oai duy trì mỗi khối một lớp học online vào buổi tối. Giáo viên từng khối sẽ phân công dạy cho các em để vừa quan tâm, theo dõi được từng học sinh, vừa kiểm tra toàn diện các em sau mỗi buổi học. Tuy vất vả, không được trả tiền tăng thêm nhưng các giáo viên rất đồng thuận, rất vui và nhiệt tình lên lớp ngoài giờ cho các em.
Trong chuyến kiểm tra việc mở cửa trường học tại tỉnh Thanh Hóa mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và việc ứng phó với dịch bệnh trong trường học bởi vậy không phải chuyện một sớm, một chiều. Do đó, rất cần sự nhất quán trong chỉ đạo, sự chuẩn bị chu đáo, hiểu biết, thái độ và nhận thức đúng về dịch bệnh; sự thống nhất, đồng thuận cao giữa nhà trường và gia đình cũng rất quan trọng.
Quốc Tiệp (t/h)