Công Tôn Toản vốn có xuất thân danh môn nên từ rất sớm đã gây dựng thế lực, ông trở thành một tướng nhà Hán và quân phiệt thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tham gia cuộc chiến giữa các quân phiệt và cuối cùng thất bại trước Viên Thiệu ở U Châu, chết trong trận Dịch Kinh.
Còn Lưu Bị dù xuất thân nghèo khó nhưng sau này đã trở thành một vị thủ lĩnh quân phiệt, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tiếc rằng đến khi chết Lưu Bị cũng chưa hoàn thành được giấc mộng thống nhất Trung Hoa.
Nhưng ít ai biết rằng hai thủ lĩnh quân phiệt này vốn là bạn học của nhau. Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, ngay từ hồi 1 Công Tôn Toản được giới thiệu với tư cách là bạn đồng môn của Lưu Bị và cũng từng bái Lư Thực làm thầy.
Vậy Lư Thực là người như thế nào, tài năng ra sao mà lại có những học trò kiệt xuất như vậy?
Lư Thực tự là Tử Cán, người huyện Trác, quận Trác (thuộc U Châu), là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà giáo dục, học giả Kinh học cuối đời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông được mô tả là người có phẩm giá cao quý, mình cao 8 thước 2 tấc, tiếng vang như chuông, tính cương nghị, ôm ấp chí lớn giúp đời.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Lư Thực xuất hiện tại hồi thứ nhất khi đang tham gia đánh Khăn Vàng và bị gièm pha, lúc đó Hán Linh Đế tin dùng gian thần nên đã ra lệnh bắt Lư Thực về triều đình trị tội, giữa đường gặp người học trò cũ là Lưu Bị (đi cùng Quan Vũ, Trương Phi).
Theo sử liệu, Lư Thực cùng Trịnh Huyền theo học Mã Dung, biết rộng khắp cổ kim, thích nghiên cứu tỉ mỉ nhưng không xem trọng văn vẻ. Lư Thực học xong về nhà, mở lớp dạy học, trong đám môn hạ có Lưu Bị, Công Tôn Toản, Lưu Đức Nhiên,... trong đó đáng kể nhất là Lưu Bị và Công Tôn Toản.
Năm Hi Bình thứ 4, người Man ở Cửu Giang khởi nghĩa, tứ phủ cho rằng Lư Thực có tài kiêm văn võ, bái làm Cửu Giang thái thú; ông nhanh chóng bình định nghĩa quân. Sau đó Lư Thực nhân bệnh rời chức.
Không lâu sau triều đình bắt đầu lập Thái học Thạch kinh, để chỉnh lý văn tự Ngũ kinh, Lư Thực bèn dâng thư tự tiến.
Gặp lúc người Nam Di nổi dậy, triều đình cho rằng Lư Thực có ân tín ở Cửu Giang, bái làm Lư Giang thái thú. Lư Thực nắm rõ tình hình, cốt giữ thanh tĩnh, xử lý đại thể mà thôi.
Hơn năm sau, được gọi về bái làm Nghị lang. Sau đó Linh đế cho rằng đó không phải là việc gấp, chuyển Lư Thực làm Thị trung, thăng Thượng thư.
Năm Trung Bình đầu tiên (184), khởi nghĩa Khăn Vàng nổ ra, tứ phủ đề cử Lư Thực, ông được phong làm Trung lang tướng, đem theo tướng sĩ Bắc quân ngũ hiệu, phát động quân đội các quận cùng đánh dẹp nghĩa quân.
Lư Thực liên tiếp đánh bại thủ lĩnh nghĩa quân là Trương Giác, chém giết hơn vạn người. Trương Giác chạy về giữ Quảng Tông, Lư Thực đắp lũy đào hào, chế tạo vân thê, sắp sửa hạ thành. Hán Linh Đế sai Tiểu hoàng môn Tả Phong đến xem xét tình hình. Vì Lư Thực không chịu hối lộ, Tả Phong về nói với vua Hán rằng: "Giặc ở Quảng Tông dễ phá thôi. Lư trung lang giữ lũy dừng quân, để đợi trời diệt". Vua Hán nổi giận, bắt ông bỏ xe tù triệu về, giảm 1 đẳng so với tử tội.
Đến khi Xa kỵ tướng quân Hoàng Phủ Tung dẹp xong nghĩa quân Khăn Vàng, ca ngợi phương lược hành quân của Lư Thực, đem hết công lao quy cho ông. Trong năm ấy ông được phục chức Thượng thư.
Năm 189, Hán Linh Đế mất, con nhỏ là Hán Thiếu Đế lên nối ngôi. Đại tướng quân Hà Tiến làm phụ chính, tính kế giết hoạn quan, bèn triệu Tịnh Châu mục Đổng Trác, để dọa Hà thái hậu. Lư Thực biết Trác hung hãn khó chế ngự, ắt sinh hậu họa, cố can ngăn việc ấy. Hà Tiến không theo. Khi Đổng Trác đến, Hà Tiến đã bị hoạn quan giết, Đổng Trác liền nắm cơ hội hiếp đáp triều đình, đại hội bách quan ở triều đường, bàn việc phế Thiếu Đế lập Trần Lưu vương.
Sau này Lư Thực bị Đổng Trác miễn quan, ông đã lấy cớ già bệnh xin về, sợ không tránh được vạ, bèn theo Hoàn Viên Đạo bỏ trốn. Đổng Trác quả nhiên sai người đuổi theo, đến sông Hoài, không bắt kịp.
Về sau Lư Thực ẩn cư ở quận Thượng Cốc, không hỏi thế sự. Năm Sơ Bình thứ 2, Viên Thiệu chiếm được Ký Châu, mời ông làm quân sư.
Năm Sơ Bình thứ 3, ông mất. Vào lúc lâm chung, ông dặn dò con trai là Lư Dục không dùng quan tài, chỉ có một tấm áo đơn sơ là được.
Năm 207, Tào Tháo lên bắc đánh Ô Hoàn, đi qua Trác Quận, làm cáo thủ lệnh ca ngợi công tích của Lư Thực.
Có thể thấy Lưu Thực là một người có tài, ôm ấp chí lớn giúp đời nhưng không gặp thời, dù khi ông ẩn cư hay là đã qua đời vẫn được Viên Thiệu và Tào Tháo (hai thế lực mạnh nhất bấy giờ) xem trọng đủ để thấy đây không phải là một nhân vật tâm thương.
Quốc Tiệp (t/h)