Ngồi không đếm tiền tỷ
Không quá khó để được tham gia vào trò "buôn tiền" "nặng màu" xã hội đen, theo những kẻ đã "ngấm đòn" với "tiền đen", thành phần tham gia trong thế giới này hết sức đa dạng, từ tiểu thương, giáo viên, đến cán bộ công chức, đại gia, thậm chí có người là cán bộ ngân hàng... Mục đích vay tiền của họ cũng vô cùng đa dạng. Có người cần đáo hạn ngân hàng, trả lãi suất cho nơi vay khác, kinh doanh, hay thậm chí là những cô cậu nam thanh nữ tú đang thiêu thân vào trò "chơi" lô, "đánh" đề, cá độ bóng đá. Với một mức lãi siêu khủng, một chủ sới chỉ cần bỏ ra một tỷ đồng cho vay, "bét" cũng thu về khoảng 5 - 10 triệu đồng/ngày.
Nhập vai một doanh nhân trẻ đang "khát" vốn làm ăn, vận quần áo nguyên bộ đồ hiệu, tôi mượn gã bạn "chú Camry" đời chót, mới cứng cựa, để “lao” vào giới tín dụng đen như một con thiêu thân. Sau vài câu bắn tin, tôi cũng được một "chúa chổm" dắt mối đến diện kiến chủ sới nổi tiếng đất Hà thành, nằm tận bên kia cầu Long Biên.
Sau khi "soi" từ chân lên cổ tôi, vị này phán: "Mệnh giá luôn trên một tỷ. Có hai dạng cho vay với hai mức lãi suất tương đồng, thế chấp tài sản sẽ là 6.000 đồng/triệu/ngày, còn thế chấp uy tín thì ắt cao hơn, 8.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày tùy vào mối quan hệ giới thiệu, bảo lãnh". Nghe chủ sới phán xong, tôi rùng mình bởi lãi suất "quá hấp dẫn" ấy. Trấn tĩnh lại, tôi lấy cớ cáo lui, về bàn lại với vợ để chọn khoản vay cho phù hợp, thì nhận được cái nhìn đầy khinh khi của gã chủ sới.
Tiếp tục hành trình, tôi lại được đưa đến một đầu mối khác. Lần này, bà chủ sới có vẻ xởi lởi hơn khi "giới thiệu sản phẩm cho vay" được ví von đầy chính quy theo kiểu... "vay tín dụng". Theo lời giới thiệu, mức lãi ở đây khá "mềm" so với thị trường, là mức 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày (đương nhiên là tùy vào quan hệ - PV). Nhưng hình thức cho vay thì lại "quá cắt cổ", nếu vay 100 triệu đồng, chủ sới chỉ đưa cho bạn 90 triệu đồng, nhưng trên giấy vẫn ghi đủ 100, đồng thời phải trả trước một tháng tiền lãi.
Thử nhẩm nhanh trong đầu một phép tính đơn giản, nếu cho vay 100 triệu đồng, ngoài việc ăn đứt 10 triệu đồng tiền được gọi là cắt phế, mỗi tháng, chủ sới này cũng "hưởng lương" mà con nợ trả khoảng 12 - 15 triệu đồng. Nếu cho vay đến 500 triệu đồng, thì mức thu nhập của chủ sới ngang ngửa với tổng giám đốc của một doanh nghiệp Nhà nước lớn đang làm ăn phát đạt!
Nguyên tắc “ngầm” của tín dụng đen
Tiếp tục cuộc hành trình, PV dừng chân tại trung tâm cho vay, hỗ trợ tài chính T-Q, nằm trên đường Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Tại đây, chúng tôi được một người tên N., đại diện cơ sở có bộ mặt lầm lì đón tiếp. Được giới thiệu là Giám đốc, nhưng cái dáng vẻ bặm trợn của N. ai cũng nghĩ, "mượn tiền" của gã này không phải dễ. Chẳng thế mà, sau khi chúng tôi bày tỏ nguyện vọng vay một khoản tiền khơ khớ để đầu tư kinh doanh, gã lạnh lùng tuyên bố: "3.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Muốn vay phải có tài sản tương ứng thế chấp cho trung tâm".
Qua màn chào hàng đậm chất "bộ đội" (tức giang hồ - PV), N. liếc nhanh "chú xế" Camry cứng cựa tôi lái đến rồi phán: "Con kia (xe ô tô camry) cho đặt 600 "củ" (tức 600 triệu đồng), tiền xuất ngay, thủ tục đơn giản, nhanh ngọn". Còn về nhà cửa thì phức tạp hơn, thủ tục mất vài ngày, nhưng vẫn được cầm trước 1/3 lượng tiền vay, khi nào xong thủ tục, lấy nốt. Nếu có anh em quen giới thiệu thì cầm tiền trước, thủ tục làm sau...". Một lát sau, N. nói tiếp: "Bọn này chỉ "cầm" những căn nhà có giá trị tương tự số tiền muốn vay. Sau khi xuất tiền thì bên em phải trao chìa khoá cho bên anh toàn quyền sử dụng, nắm giữ. Tóm lại, bên này cầm chìa khoá, khoá trái cửa và bên em không còn gì dính dáng đến nó nữa, đồng ý thì làm ngay các thủ tục chuyển nhượng, thế chấp vay vốn mà lấy tiền"?!
Thấy "độ cứng" của gã này, chúng tôi bắt đầu "nổ" với hàng loạt tên tuổi anh chị trong giới xã hội giới thiệu đến đây. Nghe vậy, N. thay đổi 180 độ. N. hạ giọng kèm thêm cả hạ tiền xuống 2.000 đồng/ngày/1 triệu với lý do lần đầu làm ăn, hợp tác. "Vị chi, vay 1 tỷ đồng, tiền lãi là 2 triệu đồng/ngày, một tháng sẽ mất 60 triệu đồng, định vay trong 3 tháng, em sẽ phải trả tổng cộng là 180 triệu đồng tiền lãi. Lấy tiền ngay, em về mang xe (tài sản có giá trị lớn hơn số tiền muốn vay - PV) đến để làm các thủ tục" - N. nói. Lấy lý do xe không chính chủ để thoái thác thì N. nói luôn, xe không chính chủ vẫn có thể "cầm" được làm chúng tôi toát mồ hôi mới tìm cách thoát được.
Tương tự, tại cửa hàng cho vay không thế chấp V - H (quận Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được nhân viên ở đây "tư vấn", anh muốn vay bao nhiêu tiền cũng được. Hiện tại bên em đang khuyến mại giảm lãi phí 15%, xuống còn 3.000 đồng/ngày/1 triệu đồng. Hết thời hạn này sẽ lên mức 3.500 đồng. Điều phải lưu ý đó là bên này không cầm tài sản của khách, vẫn do khách bảo quản, sử dụng bình thường.
Tuy nhiên, khách vay phải đặt lại giấy tờ gốc, giấy đăng ký xe, bằng lái xe phô tô và chứng minh thư nhân dân. Tiếp đến phải làm hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng có công chứng và khách phải ký hợp đồng thuê lại phương tiện, tài sản là được. Thời gian giải quyết "vay vốn" rất nhanh gọn, cần tiền, anh cứ gọi điện trước cho em một vài tiếng, sau đó đến ký tá, nhận tiền trong khoảng thời gian chưa đầy 30 phút.
Quyền lực và luật “chơi”
Đáng nói, theo tìm hiểu của PV, trong thời gian gần đây, người dân trên địa bàn Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung không còn xa lạ gì với các hình thức cho vay nặng lãi với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần bảo lãnh tín chấp (trực tiếp hoặc qua bên trung gian) là người cần tiền có thể được bên cho vay đồng ý "giải ngân", xuất tiền ngay lập tức. Để cạnh tranh, hàng loạt các trung tâm, cơ sở tín dụng đen nghĩ ra các chiêu trò như: Hỗ trợ sinh viên, người nghèo với mức giá từ 1 - 5 triệu đồng; cho vay thế chấp tài sản, cho vay không thế chấp, giảm phí lãi suất với mức giá ưu đãi, khách vẫn được sử dụng tài sản, xe cộ... Thậm chí, để khuyếch trương các cơ sở này còn cho in địa chỉ, các thông tin khuyến mại, quảng cáo lên cả các... thân cây ven đường, tiếp đến là những biển hiệu, băng rôn và các tờ rơi được đưa đến tận những hộ dân trên địa bàn thành phố.
Sau nhiều ngày lăn lộn trong thế giới ngầm tín dụng đen, PV báo ĐS&PL rút ra một mô - tuýp quen thuộc của trào lưu "chơi họ". Theo đó, "chủ họ" - người cho vay thường định trước một thời hạn cố định cho người "vay họ", "bốc họ". Lãi suất vay do hai bên thỏa thuận dao động từ 3,5% - 12%/tháng nhưng trong giấy tờ chỉ là vay thường, không ghi mức lãi suất mà hai bên đã thỏa thuận.
Để vay được tiền thì người vay phải làm hợp đồng bán tài sản là tài sản hoặc bất động sản thay vì làm hợp đồng vay tiền và người vay chỉ được vay trị giá 70% đến 80% trị giá tài sản. Nếu quá hạn mà người vay không thanh toán được thì chủ cho vay sẽ thanh lý tài sản, người vay phải làm giấy sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản cho "chủ họ". Đồng thời, khi hết thời hạn vay mà người vay chưa trả nợ, vẫn còn muốn vay nữa thì chủ cho vay làm giấy "chốt nợ" cũ để lập hợp đồng mới - tức "mở bát họ mới". Sau mỗi lần "chốt nợ" thì hợp đồng cũ hết hiệu lực và làm phát sinh hợp đồng mới. Hợp đồng mới bao gồm cả tiền gốc cộng tiền lãi của hợp đồng cũ.
Vì sao "tín dụng đen" vẫn "sống khoẻ"? Dù đã được cảnh báo, trên thực tế có những bài học đắng cay xảy ra nhưng tín dụng đen vẫn có "đất sống" và vẫn là cái bẫy sẵn sàng sập xuống bất kỳ khi nào và bất kỳ ở đâu, với bất kỳ ai. Có thể khẳng định, tín dụng đen, đặc biệt là khi vỡ nợ gây hậu quả rất nghiêm trọng về kinh tế - xã hội. Thực tế đang cho thấy nhiều điều: Hiện đang có một nguồn lực tiền rất lớn trong dân chưa được huy động; Nhu cầu về vốn của các DN nhỏ và vừa... |
Vương Trần - Quỳnh Chi