Mức tiêu thụ đang gia tăng ở Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ có thể đẩy nhu cầu nhiệt điện than toàn cầu lên mức mới cao nhất mọi thời đại trong năm nay, làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong một báo cáo mới công bố.
Theo báo cáo, sản lượng điện toàn cầu từ than đá dự kiến đạt 10.350 terawatt giờ (TWh) vào năm 2021, tăng 9% so với năm 2020, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế nhanh chóng khiến "nhu cầu điện bị đẩy lên cao hơn nhiều so với khả năng các nguồn cung năng lượng carbon thấp có thể bắt kịp".
Cao trào của sự chênh lệch cung cầu trầm trọng này là cuộc khủng hoảng năng lượng dần loang rộng ra toàn cầu.
Khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung đẩy giá khí đốt tự nhiên lên mức cao kỷ lục đã làm tăng sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu khác, bao gồm cả than, đồng thời thúc đẩy những lời kêu gọi tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Nhu cầu tiêu thụ than tổng thể, bao gồm cả các ngành như xi măng và thép, dự kiến sẽ tăng 6% trong năm nay. Mặc dù sẽ không vượt quá mức tiêu thụ kỷ lục của năm 2013 và 2014, nhưng nó có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm tới, báo cáo cho biết.
Theo ước tính của IEA, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) có mức tăng sử dụng than lớn nhất với khoảng 20%, tiếp theo là Ấn Độ với 12% và Trung Quốc - nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới - ở mức 9%.
Giám đốc Điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết mức tăng là "một dấu hiệu đáng lo ngại về việc thế giới đang đi chệch hướng xa như thế nào trong nỗ lực giảm lượng phát thải về mức ròng bằng 0".
Lượng phát thải CO2 từ than vào năm 2024 hiện được dự đoán sẽ nhiều hơn 3 tỷ tấn so với kịch bản cân bằng phát thải vào năm 2050, báo cáo cho biết. IEA dự kiến, sản lượng than sẽ đạt đỉnh vào năm tới, với 8,11 tỷ tấn, trong đó mức tăng mạnh nhất đến từ Trung Quốc, Nga và Pakistan.
Theo một báo cáo được công bố trong tuần này bởi các nhà nghiên cứu của Tổng công ty Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, những lo ngại về an ninh năng lượng có nghĩa là nước này có khả năng xây dựng thêm 150 gigawatt (GW) công suất nhiệt điện than mới trong giai đoạn 2021-2025, nâng tổng công suất lên 1.230 GW.
Tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết hồi tháng 5 rằng, việc phát triển các nguồn dầu, khí đốt và than mới phải dừng lại trong năm nay, nếu thế giới muốn đạt được các mục tiêu phát thải theo Thỏa thuận Paris.
Các nhà vận động khí hậu đã thất vọng với kết quả cuối cùng liên quan đến than đá mà Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Glasgow đạt được.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow vang lên "hồi chuông báo tử" cho than đá, nhưng ngôn ngữ cuối cùng sử dụng trong hiệp ước đã được “giảm nhẹ”, chuyển từ “xóa bỏ” (phase out) thành “giảm dần” (phase down) các dự án sản xuất điện than không thu giữ và lưu trữ carbon. Theo đó, cánh cửa vẫn mở cho các khoản đầu tư vào một số nhà máy than được trang bị công nghệ thu giữ khí thải.
“Thật đáng thất vọng khi sản lượng điện than có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại ngay trong cùng một năm khi mà các nước trên thế giới đã đồng ý giảm dần việc sử dụng nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm này”, Dave Jones, người đứng đầu chương trình toàn cầu tại tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember, cho biết.
Tuy nhiên, Jones cũng tin tưởng rằng, điện than chắc chắn sẽ sớm bắt đầu suy giảm vì Trung Quốc đã cam kết cắt giảm dần tiêu thụ than từ năm 2025, còn Ấn Độ đang đặt ra các mục tiêu tham vọng về phát triển năng lượng tái tạo”.
Minh Đức (Theo CNN, Bloomberg, Reuters)