Tôi có đọc được vài câu chuyện về nền giáo dục của nước bạn Nhật Bản. Quả thực với tôi đó là một điều thiêng liêng và cao quý biết nhường nào. Bởi, ở đất nước đó, con người ta coi giáo dục là một nhân tố không thể tách rời việc phát triển của một quốc gia, dân tộc vốn đã từng là kẻ thua trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Người Nhật Bản dạy con trẻ cách tự lập từ khi còn nhỏ. Lên lớp 2, lớp 3 bọn trẻ đã phải tự học cách chăm sóc bản thân, yêu thương gia đình và kính trọng người lớn.
Tôi còn nhớ mãi câu chuyện, dạy trẻ mỉm cười và nói lời cảm ơn, giáo viên phải là người mẫu mực trong cách dạy. Giáo viên phải đi đầu trong công tác định hướng tư duy cho con trẻ biết thế nào là môi trường giáo dục lành mạnh và đầy tri thức. Ở nơi đó không có sự bóc lột và bạo hành.
Nhất là môi trường mầm non ở Nhật, dường như họ không quá chú trọng đến việc dạy kiến thức cho bọn trẻ. Chúng không có bất kỳ quyển vở nào, giáo viên chỉ có những cuốn phác thảo cho mỗi tháng. Trong kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng không hề có những môn học như Toán, chữ kana (chữ Nhật), nghệ thuật hay âm nhạc. Và cũng không có cả tiếng Anh hay những cuộc thi Olympia Toán học quốc tế. Họ cũng không dạy trượt băng hay bơi lội.
Khi bạn hỏi họ dạy bọn trẻ những gì thì bạn sẽ không bao giờ đoán được câu trả lời: Chúng tôi dạy bọn trẻ cách luôn luôn mỉm cười. Ở Nhật, bạn ở đâu không quan trọng, bạn đang nói chuyện với ai không quan trọng, mà quan trọng nhất là bạn phải "luôn mỉm cười". Một cô gái luôn mỉm cười là cô gái xinh đẹp nhất. Họ còn dạy những gì nữa? Họ dạy chúng nói "cảm ơn".
Đó là ở Nhật Bản, vậy còn ở Việt Nam thì sao?
Chắc có lẽ điều này sẽ khiến nhiều người phải tò mò và rồi tự đi tìm lại những quy định về quyền hạn của giáo viên trong trường học ở Điều 75, luật Giáo dục. Điều này càng được tìm kiếm nhiều hơn khi gần đây, có quá nhiều những vấn đề mà vốn người ta chẳng thể nghĩ rằng nó lại xảy ra ngay chính ở môi trường giáo dục.
Và câu chuyện về việc giáo viên bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng một lần nữa khiến người ta bàng hoàng lo sợ. Lo sợ biết đâu đó một ngày, chính con em của mình lại trở thành nạn nhân trong câu chuyện đã xảy ra, lo sợ biết đâu con em mình đang vui tươi bỗng trở thành một đứa trẻ trầm cảm khi mà khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” với một số trường chỉ để... treo ở cuối lớp.
Trong một lần trò chuyện với giảng viên bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, của trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQGHN), cô chia sẻ: "Tôi đã từng chứng kiến những cảnh bạo hành trẻ em, bạo hành học sinh. Trong tâm can tôi, việc bạo hành trẻ em dù là về thể chất hay tinh thần đều là điều mà giáo viên không được phép làm. Tôi cũng là người làm giáo dục và đặc biệt cũng là một người mẹ, tôi hiểu cảm giác khi con em mình bị phạt mà xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm nó như thế nào. Trẻ hư thì phải nghiêm khắc với trẻ, nhưng nghiêm khắc ở đây không có nghĩa là ta hành hạ trẻ. Và tôi mong rằng, các vị nhà giáo hãy hiểu thật sâu câu "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" để từ đó có những cách giáo dục con trẻ lành mạnh”.
Với tôi, chia sẻ của cô giảng viên thực sự rất chuẩn mực và dễ được đồng cảm. Trước kia, ngày tôi còn là học sinh cấp 1, chỉ vì đi học quên không làm bài tập về nhà mà bị cô giáo dạy môn Toán dùng thước kẻ đánh giập cả một ngón tay chỏ. Đến nay, mỗi lúc thời tiết thay đổi là ngón tay lại đau nhức. Và tôi vẫn còn nhớ, những năm tháng đi học, học sinh nói chuyện giáo viên sẵn sàng "phi" viên phấn vào mặt. Mỗi lần như vậy, chúng tôi sợ lắm, có khi bạn nói chuyện sẽ không bị thước kẻ né trúng mà là bạn bàn trên, bên cạnh hoặc bên dưới.
Thế nhưng, hãy dừng việc tranh luận ai đúng ai sai ở đây mà theo tôi, việc bạo hành trong giáo dục cho dù là giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên và ngược lại tuyệt đối không thể xuất hiện. Bởi, đây là nơi để chúng ta nhìn vào tương lai của cả một đất nước, của cả nhân loại.
Và tôi tin rằng, sau này sẽ có những người học sinh tự tin đứng lên phản kháng lại những điều mà giáo viên đang xúc phạm danh dự của mình bằng luật pháp, bằng tri thức. Sẽ sớm thôi, có học sinh đứng lên mà nói rằng, thưa cô, hành vi này vi phạm Thông tư Ban hành điều lệ trường tiểu học (khoản 1, Điều 38), luật Giáo dục (khoản 1, Điều 75, chương 4).
Việt Hoàng