M
ới đây, tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Câu chuyện yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là vấn đề nóng được quan tâm.
Đoàn giám sát chỉ ra rằng Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn được 1 bộ SGK theo quy định của Nghị quyết 88 của Quốc hội ảnh hưởng tới trách nhiệm của nhà nước trong triển khai Chương trình GDPT 2018 và việc thực hiện một số chính sách xã hội.
Bộ GD&ĐT biên soạn sách dễ quay lại thời kỳ độc quyền
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 bày tỏ: “Qua báo chí phản ánh ngày 27/7/2023, tôi rất ngạc nhiên về đề nghị của Đoàn giám sát của Quốc hội trong cuộc họp”.
Theo ông Thuyết, đổi mới quan trọng nhất về SGK của Nghị quyết 88 của Quốc hội là chủ trương xã hội hoá việc biên soạn SGK. “Đây là chủ trương mới, tạo điều kiện huy động nguồn lực xã hội để không ngừng nâng cao chất lượng SGK, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và chống độc quyền trong lĩnh vực này. Điều đó cũng phù hợp với xu hướng quốc tế”, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết.
Theo Nghị quyết 88 : “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.
“Việc yêu cầu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình.
Nhưng trên thực tế, như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, cho đến nay, đã có nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với các NXB biên soạn và mỗi môn học hoạt động trong Chương trình GDPT 2018 đã có nhiều SGK được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện chương trình mới. Vậy không có lý do gì để yêu cầu Bộ đứng ra viết sách để quay lại cơ chế độc quyền”, ông Nguyễn Minh Thuyết đánh giá.
Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018 cũng cho rằng trong tương lai sẽ không chỉ có 3 bộ SGK như hiện nay ( ngoài bộ SGK hiện hành). Nếu chỉ có 3 bộ sách sẽ lại trở thành độc quyền. Có thể sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có đội ngũ giáo viên các cấp học biên soạn những quyển sách, bộ sách mới, phù hợp hơn với học sinh của mỗi vùng, mỗi thời kỳ. Đến thời điểm hiện tại, môn Toán đã có 4 bộ sách. Môn Tin có 5 bộ. Tiếng Anh có 9 bộ. Điều này cũng diễn ra ở nhiều nước và từng diễn ra ở nước ta trước đây.
Một số người cho rằng việc các địa phương hoặc các trường sử dụng những SGK khác nhau sẽ gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường. Trên thực tế, việc học sinh chuyển vùng hoặc chuyển trường không nhiều. Đến trường mới, các cháu có thể mua sách mới hoặc mượn sách thư viện. Đổi mới bao giờ cũng đòi hỏi thay đổi nếp nghĩ, thói quen. Nếu không chịu thay đổi thì sẽ quay lại tình trạng cũ.
Ông Thuyết bày tỏ: “Đòi hỏi Bộ GD&ĐT biên soạn SGK và coi đó là bộ SGK chuẩn, thì không đúng với tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội khoá 14”.
Cụ thể Nghị quyết 122/2020/QH14 nêu rõ: “Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.
“Nghị quyết khoá trước đã nêu rất rõ, tôi không hiểu vì sao đến nay Quốc hội khoá 15 lại định phủ quyết Nghị quyết 122 khoá 14. Nếu như chủ trương cứ thay đổi mỗi lúc một khác như vậy thì sẽ thực hiện thế nào? Điều này phải hết sức cân nhắc, vì đây là cuộc điều chỉnh chính sách giữa chừng rất lớn.
Một số hạn chế về mặt quản lý, một vài điểm chưa phù hợp về chuyên môn trong SGK là những vấn đề có thể khắc phục, chứ không thể từ đó thay đổi cả một chủ trương lớn”, ông Nguyễn Minh Thuyết nhận định.
Ngoài ra, việc Bộ GD&ĐT biên soạn SGK cũng không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ đã quy định tại Luật Giáo dục và Nghị định 86.
Thực tế, Luật Giáo dục không quy định Bộ GD&ĐT phải đứng ra biên soạn SGK và chỉ quy định xã hội hoá SGK và có một số bộ SGK cho từng môn học.
Ông Nguyễn Minh Thuyết đặt ra hàng loạt băn khoăn: “Điều này cũng dễ dẫn đến xoá bỏ xã hội hoá, quay trở lại độc quyền SGK. Trách nhiệm này không thể xem thường và ai sẽ chịu trách nhiệm?
Chúng ta có nên bỏ ngân sách Nhà nước (theo Ngân hàng thế giới tính là 16 triệu USD) để làm bộ SGK mới trong khi đã có rất nhiều bộ sách?”
Theo chuyên gia đây là việc lớn, nếu muốn thay đổi vấn để này thì phải tổ chức đánh giá tác động của quy định này, có báo cáo cụ thể mới nên làm. “Nếu cứ làm như thế này, tôi chỉ sợ không biết ai chịu trách nhiệm”, ông Thuyết bảy tỏ.
Khó huy động lực lượng tham gia viết sách
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS Phạm Hiệp - Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Trường Đại học Thành Đô cho rằng đề nghị đúng, nhưng không đúng thời điểm.
"Việc việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một Bộ SGK và được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn đã không diễn ra ở những năm đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018”, ông Phạm Hiệp bày tỏ.
Theo chuyện gia ở giai đoạn đầu rất cần một bộ sách lõi, “nhưng bây giờ các NXB đã quen, mọi thứ được hoạt động bình thường thì việc có thêm SGK do Bộ biên soạn sẽ chỉ làm rối thêm”, ông Hiệp đánh giá.
Ngoài ra, các giáo viên, nhà khoa học, tác giả viết sách có uy tín đều đã tham gia vào các bộ sách xã hội hoá. Nếu bây giờ đặt hàng Bộ GD&ĐT làm, sẽ khó huy động những lực lượng tốt nhất tham gia biên soạn.
Ông Phạm Hiệp cho rằng điều cần quan tâm ở giai đoạn này là cần kéo dài thời gian thực nghiệm các bộ sách xã hội hoá, đánh giá lại khung Chương trình GDPT 2018, chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy không nên quá tập trung vào câu chuyện ai soạn SGK.
“SGK hiện nay không còn là pháp lệnh, giáo viên và nhà trường có thể tự chủ điều chỉnh bài giảng dựa vào chương trình. Nên điều quan trọng hơn là cần chú trọng đến năng lực giáo viên, nhất là khả năng dạy liên môn, quy trình chọn SGK”, ông Hiệp cho biết.
Đại diện NXB tham gia biên soạn SGK xã hội hoá, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục VN – VEPIC cho rằng việc giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK "chuẩn", "của Bộ" vừa không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước, vừa dễ dẫn đến hậu quả xóa bỏ xã hội hóa việc biên soạn SGK.
Nghị quyết 88 của Quốc hội có quy định Bộ GD&ĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hóa không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông. Tới nay, trường hợp đó không xảy ra.
Luật Giáo dục 2019 không quy định về việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK và Nghị quyết số 122 của Quốc hội cũng quy định: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của luật Giáo dục số 43/2019/QH14 thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".