Không còn sự khuôn mẫu, tạo nhiều cơ hội cho thí sinh thể hiện năng lực, tư duy lập luận là nhận xét chung của các thí sinh và thầy cô đối với đề thi Ngữ văn kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội.
Năm nay đề thi có 2 phần với thời gian làm bài 120 phút. Phần I với 4 câu hỏi xoay quanh tác phẩm "Đồng chí" của nhà thơ Chính Hữu.
Phần II có nội dung một đoạn trích dẫn theo "Dám bị ghét", Kishimi Ichiro và Koga Fumitake, NXB Dân trí 2024, đặt ra 3 yêu cầu, trong đó có yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận để trả lời câu hỏi: Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta? Và thí sinh bày tỏ quan điểm về việc có ích kỷ hay không nếu “chúng ta không sống để đáp ứng mong đợi của người khác”? Vì sao?
Trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Trường THPT Anhxtanh Hà Nội nhận thấy, việc thí sinh cho rằng đề nghị luận xã hội có tính mở là cảm nhận đúng và đó cũng chính là đặc điểm của thể loại. Đề thi dạng này cũng không phải lần đầu tiên xuất hiện.
“Không chỉ ở hỏi câu nghị luận xã hội, mà ngay ở câu 2 phần II đã là câu hỏi mở. Trong đề chỉ nêu luận điểm, còn thí sinh phải nêu ý kiến về luận điểm đó và phải đưa ra lý lẽ, lập luận, thuyết phục, phần này đã không phải là câu hỏi dễ”, thầy Hùng đánh giá.
Đối với câu 3 phần II, đề thi đưa ra là một câu nghi vấn, nên thế này hay thế kia hay không? Theo thầy Hùng đây là cách hỏi gợi mở để cho các bạn có không gian tự do để trình bày ý kiến, quan điểm cá nhân. “Với những thí sinh quen làm những dạng đề làm sáng tỏ quan điểm đã cho thì sẽ gặp khó khăn vì đề cho không gian các bạn lựa chọn quan điểm đồng ý hay không đồng ý hay góc nhìn khác và đưa ra dẫn chứng thuyết phục”, thầy giáo bày tỏ.
Tuy nhiên, học sinh cũng không nên quá lo lắng bởi, thầy Nguyễn Phi Hùng đánh giá với độ mở của đề thi đáp án cũng sẽ chấp nhận sự khác biệt, không bó hẹp trong cách diễn đạt. Cùng với đó, thầy cô không chỉ chấm ý kiến mà còn chấm khả năng lập luận của các em.
Đối với phần I, sẽ có ít nhiều thí sinh hơi bỡ ngỡ khi đọc đề vì bài thơ Đồng chí đã xuất hiện vào kỳ thi cách đây 3 năm, mặc dù vậy với bút pháp thơ hiện thực các em sẽ không gặp khó khăn trong việc cảm nhận, cũng như là lý giải sự đặc sắc nghệ thuật bài thơ.
“Bạn nào nắm chắc nội dung của tác phẩm có thể ứng biến và trả lời tốt các câu hỏi. Các câu hỏi cụ thể về thể thơ, cấu trúc ngôn từ, cách sử dụng từ ngữ đều là những nét đặc sắc nổi bật của tác phẩm mà học sinh dễ dàng nhận ra nhưng việc nêu đủ hay không thì sẽ là phần tạo ra chênh lệch ở điểm số trong quá trình làm bài”, thầy Nguyễn Phi Hùng đánh giá.
Vẫn như các năm, cấu trúc đề thi Ngữ văn gồm có 2 phần: Phần I chiếm 6,5 điểm với 4 câu hỏi. Phần 2: Phần này chiếm 3,5 điểm với 3 câu hỏi.
Đánh giá về đề thi năm nay, cô Nguyễn Lệ Quyên – Giáo viên tại Tuyensinh247.com cho biết, trong phần I, đề thi tập trung kiểm tra kiến thức vào một đoạn văn bản Đồng chí của Chính Hữu. Đề lấy 8 câu thơ cuối bài Đồng chí để đánh giá, kiểm tra kiến thức của các em.
“Mặc dù số lượng câu thơ lấy không quá nhiều nhưng vẫn có khả năng kiểm tra tổng hợp kiến thức của học sinh. Câu số 1 kiểm tra kiến thức về thể thơ. Câu số 2 học sinh cần phải xác định được hình ảnh tương ứng tạo nên sự sóng đôi và nêu được tác dụng của hình ảnh sóng đôi đó.
Câu số 3 yêu cầu học sinh nêu được tác dụng của hình ảnh sóng đôi: sự gắn kết, gắn bó của những người lính. Câu cuối cùng là câu nghị luận văn học với yêu cầu viết đoạn văn quy nạp làm sáng tỏ hình ảnh người lính trong khổ thơ đã trích”, cô Quyên cho hay.
Phần thứ II, đề đưa ra cuộc hội thoại giữa người thanh niên và nhà triết gia. Cuộc hội thoại ngắn ngủi nhưng sẽ cho chúng ta bài học ý nghĩa về việc ứng xử trước những nhu cầu, mong muốn của người thân với chính mình. Nghe theo lời người thân hay lựa chọn những gì bản thân mình mong muốn? Đây quả là một lựa chọn khó khăn mà bất cứ ai trong cuộc đời này cũng phải đối mặt.
“Đề thi tuyển sinh của Hà Nội là những kiến thức cơ bản nhưng vẫn phát huy được suy nghĩ, cảm nhận và năng lực của học sinh. Các câu hỏi rõ ràng, cấu trúc đề không thay đổi với mọi năm.
Bên cạnh các câu hỏi nhận biết đơn giản vẫn có các câu vận dụng cao, giúp phân loại học sinh tốt. Với đề thi này học sinh trung bình có thể làm được 6,5-7 điểm, các bạn học khá, giỏi đạt 8-9 không quá khó khăn. Nhìn chung đề vừa sức với học sinh”, cô Quyên chia sẻ.
Năm học này, Hà Nội có 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Trong đó, 106.000 em đăng ký dự thi lớp 10.
127 trường công lập (gồm trường chuyên, trường công tự chủ) đáp ứng 81.000 chỗ học. Còn lại, học sinh có thể theo học trường tư, trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề.
Kỳ thi diễn ra vào ngày 8-9/6, với 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh thi trường chuyên và hệ song bằng sẽ thi thêm ngày 10 và 11/6.