PV: Năm nay là năm đầu tiên tổ chức các bài thi tổ hợp. Thí sinh cần lưu ý điều gì khi đăng ký dự thi và làm bài thi tổ hợp KHTN và KHXH?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Hướng dẫn thực hiện Quy chế sẽ chỉ rõ cách thức tổ chức thi các bài thi tổ hợp. Bài thi tổ hợp gồm các môn thi thành phần, cụ thể là: Bài Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; Bài Khoa học xã hội (KHXH) gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công (dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT); tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).
Khi đăng ký dự thi (ĐKDT), thí sinh cần đăng ký môn thi tự chọn KHTN hay KHXH dùng để xét tốt nghiệp THPT. Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn. Trong trường hợp này, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận Tốt nghiệp THPT (do phần mềm máy tính thực hiện);
Trong mỗi buổi thi, bài thi tổ hợp, thí sinh sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định.
Bài thi KHTN theo trình tự các môn thành phần: Vật lí → Hóa học → Sinh học; Bài thi KHXH theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử → Địa lí → Giáo dục công dân (đối với thí sinh THPT); Lịch sử → Địa lí (đối với thí sinh học chương trình GDTX). Thí sinh làm các bài thi KHTX/KHXH trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN);
Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, thí sinh cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu TLTN, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. Đặc biệt, thí sinh cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, thí sinh cần lưu ý kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài.
Thí sinh sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo (ví dụ thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học).
Như vậy, thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng của mình (ví dụ thí sinh không phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn thành phần cuối cùng là Sinh học). Thí sinh cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
PV: Trong quy chế nói rõ nội dung đề thi nằm trong chương trình lớp 12 đã giúp thí sinh yên tâm học tập và ôn luyện. Vậy thí sinh cần lưu ý những gì để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Đề thi THPT quốc gia năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12. Đề thi có các câu hỏi ở mức độ cơ bản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và các câu hỏi nhằm phân hóa kết quả thi, phục vụ mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các thí sinh cần chú ý học tập, ôn luyện trong chương trình quy định ở lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan. Thí sinh cần tham khảo đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm Bộ đã công bố để có định hướng ôn tập đạt kết quả cao.
PV: Công tác chấm thi được thực hiện như thế nào? Quy chế quy định như thế nào để công tác chấm thi đảm bảo công bằng, khách quan?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Quy chế quy định rất rõ quy trình, yêu cầu của công tác chấm thi. Trong đó các bài thi Toán, KHTX, KHXH và Ngoại ngữ thi theo hình thức TNKQ nên sẽ được chấm bằng máy và phần mềm chuyên dụng với quy trình chặt chẽ, đảm bảo an toàn, tin cậy, khách quan. Bài thi tự luận Ngữ văn được chấm theo 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra cùng tiến độ với quá trình chấm thi. Quy chế cũng quy định rõ cách xử lý kết quả chấm thi khi có sự chênh lệch giữa hai lần chấm độc lập. Các quy định này hướng tới đảm bảo chấm thi khách quan, tin cậy.
PV: Kỳ thi THPTQG 2017 do các Sở GDĐT chủ trì? Xin Ông nói rõ hơn vai trò của các trường ĐH, CĐ trong Kỳ thi này như thế nào?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Các Sở GDĐT chủ trì cụm thi, các trường ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên sẽ cùng tham gia các khâu tổ chức thi, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi (nếu cần). Lãnh đạo các ĐH, CĐ phối hợp sẽ tham gia thành phần lãnh đạo Hội đồng thi, lãnh đạo Điểm thi… Các cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ cùng tham gia coi thi, giám sát và chấm thi (nếu cần).
PV: Trong thời gian tới, các Sở GDĐT phải làm gì để chuẩn bị tổ chức tốt Kỳ thi?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Bộ GD&ĐT sẽ sớm tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi THPT quốc gia. Trong thời gian tới, các Sở GDĐT cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục tổ chức dạy học, ôn tập theo nội dung, chương trình theo kế hoạch năm học;
Tổ chức nghiên cứu kỹ quy chế, có các cách làm phù hợp, hiệu quả để giáo viên và học sinh hiểu rõ quy chế thi và xét tốt nghiệp THPT; đặc biệt lưu ý khâu sao in đề thi và quy trình coi thi các bài thi tổ hợp.
Chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm công tác thi có kinh nghiệm, trách nhiệm cao, am hiểu quy chế, sử dụng tốt công nghệ thông tin nhất là các phần mềm liên quan đến Kỳ thi.
Chuẩn bị hạ tầng, công nghệ thông tin, các phòng máy tính tại cơ quan Sở và các trường phổ thông để phục vụ các thí sinh ĐKDT;
Chủ động lập kế hoạch, tham mưu cho chính quyền địa phương để thành lập các Điểm thi phù hợp và hiệu quả.
Chủ động làm tốt công tác truyền thông về Kỳ thi để GV,HS và XH hiểu, yên tâm, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, cùng với ngành GĐ tổ chức thành công Kỳ thi.
PV: Bộ GD&ĐT có những lời nhắn gửi gì tới các em thí sinh sẽ tham dự Kỳ thi năm nay?
Đại diện Bộ GD&ĐT: Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức nhằm hướng tới tạo thuận lợi, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội.
Phương án thi đã được công bố sớm, đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm đã được công bố.
Các em tham khảo, yên tâm học và ôn tập, bám sát chương trình lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan. Các em cần hiểu rõ quy chế thi để ĐKDT kịp thời và chính xác, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, tránh những sai sót đáng tiếc. Chúc các em học và ôn tập hiệu quả, đạt kết quả tốt trong Kỳ thi tới.
Công Luân