Ăn lòng lợn có hại sức khỏe?
Lòng lợn (bao gồm cả dạ dày, ruột non, ruột già) là một trong số những món ăn dân dã. Trong Đông y, lòng lợn được gọi trư đỗ, là vị thuốc có vị ngọt, tính ấm; vào tỳ, vị, thận, có tác dụng kiện tỳ vị, ích thận bổ hư.
Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của nhiều người tuy nhiên, đây lại là món ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe do lòng là bộ phận tiêu hóa của động vật có chứa nhiều vi khuẩn, ký sinh trùng và nhiều chất béo có hại.
Trao đổi với Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: "Lòng lợn là món ăn được người Việt rất yêu thích và giàu chất đạm nhưng cũng gây lo ngại về vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên ăn nội tạng động vật (lòng, gan, thận, dạ dày…) với mức độ vừa đủ không gây hại cho sức khoẻ".
Về thành phần dinh dưỡng, trong 100g lòng lợn có khoảng 10g chất đạm. Chất đạm là dưỡng chất quan trọng giúp xây dựng và tái tạo tất cả các mô, là thành phần cấu thành nên cơ thể. Da, cơ, xương và cơ quan nội tạng phần lớn được tạo nên từ protein.
Để ăn lòng lợn đúng cách và không hại sức khỏe, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm đưa ra một số lưu ý. Các nội tạng động vật nói chung, lòng lợn nói riêng, có nhiều chất béo bão hoà và cholesterol cao. Ví dụ 100g bầu dục lợn có khoảng 375mg cholesterol, óc lợn có 2.500mg cholesterol, tim lợn có 140mg cholesterol, gan lợn có 400mg cholesterol… Lượng cholesterol trong 100g lòng lợn cũng tương đương với bầu dục lợn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguy cơ lớn nhất của người ăn nội tạng động vật (trong đó có lòng lợn) là nguy cơ tăng cholesterol.
"Cholesterol là thành phần cần cho cấu trúc tế bào. Nhưng quá dư thừa cholesterol sẽ gây ra xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Để đảm bảo ăn lòng lợn và các tạng khác của động vật an toàn, chỉ nên ăn 3-4 lần/tháng.
PGS.TS Lâm cũng lưu ý, nên ăn ít các tạng màu trắng vì các tạng màu trắng thường có nhiều cholesterol so với các tạng màu sắc khác trong cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cũng lưu ý thêm, do lòng lợn và các tạng khác của động vật có chứa nhiều cholesterol nên người cao tuổi, người bị bệnh gout (gút) cần tránh ăn để không có những cơn đau cấp xuất hiện. Người mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá: tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... hạn chế ăn nội tạng động vật.
Về câu hỏi ăn lòng bao nhiêu là phù hợp, PGS.TS Lâm cho biết, đối với người khỏe mạnh, nếu thích ăn lòng cũng chỉ nên ăn 1 lần/tuần. Lượng ăn chỉ 70-80gram trong một lần sẽ không gây thừa cholesterol mà vẫn lấy được dưỡng chất.
Nếu người trưởng thành 1 bữa ăn khoảng 200g phủ tạng, có thể nạp vào cơ thể 500mg cholesterol, sẽ phải mất rất nhiều ngày mới thải hết được.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, khẩu phần ăn lành mạnh một ngày chỉ nên ăn dưới 300mg cholesterol từ tất cả các thực phẩm. Lưu ý cholesterol không chỉ có trong các tạng của động vật mà còn có nhiều trong da động vật, mỡ động vật… Do vậy, để khỏe mạnh nên ăn đa dạng và cân đối các loại thực phẩm.
Đồng thời người dân nên hạn chế ăn nội tạng không rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm. Không ăn nội tạng chế biến chưa kỹ, dễ bị nhiễm bẩn, dẫn tới bệnh tả, kiết lị, thương hàn, lao, bệnh than... Khi đó, vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm. Đồng thời, người dân cũng không nên ăn nội tạng để qua đêm nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, dễ bị ôi thiu, hay có mùi hôi khó chịu.
Cách luộc lòng lợn không đắng, trắng giòn
Không phải ai cũng có thể luộc được một đĩa lòng vừa trắng vừa giòn, lại không dai. Theo VTC News dưới đây là các nguyên nhân khiến món lòng lợn luộc kém ngon mà bạn bên tránh.
Cách làm sạch lòng: Với các đoạn lòng lợn thông thường, không nhất thiết phải bóp sạch với cả muối, gừng, chanh hay rượu. Bạn chỉ cần lộn trái ruột, bỏ hết lớp mỡ rồi dùng bột mì trộn với một chút muối bóp kỹ, sau đó rửa dưới vòi nước sạch. Xong công đoạn trên thì dùng chanh chà vào lòng heo để loại bỏ chất bẩn còn sót, cuối cùng rửa sạch lại dưới vòi nước lớn. Với cách làm này, lòng lợn vừa đảm bảo được sạch sẽ mà vẫn giữ được độ tươi ngon.
Đối với lòng non, chỉ nên xả qua dưới vòi nước vào đoạn lòng cho mất dịch bên trong hoặc tuốt nhẹ qua rồi rửa lại.
Cách luộc lòng chuẩn: Chuẩn bị 1 bát nước nguội có pha vài giọt chanh hoặc dùng nước lạnh pha với một chút phèn chua, đun sôi rồi để nguội.
Đun nước sôi nước rồi mới thả lòng vào. Bước này là bước quyết định lòng có ngon hay không. Việc thả vào nước đang sôi sẽ khiến lòng vừa chín tới và giòn tan.
Thêm chút gừng để lòng thơm hơn.
Để nước sôi 2-3 phút đển khi lòng chuyển sang màu hồng thì vớt ra ngâm vào bát nước nguội pha vài giọt chanh ở ban đầu. Làm như thế, lòng vừa giòn vừa có màu trắng đẹp mắt, không bị thâm đen. Thông thường, tổng thời gian từ khi cho lòng vào nồi nước sôi đến lúc vớt ra khoảng 7-10 phút (tùy số lượng nguyên liệu nhiều hay ít).
Với lòng non, chỉ cần sôi lại vài phút là có thể tắt bếp. Vớt ra, cho ngay vào thau nước sôi để nguội có pha phèn chua và mấy cục đá lạnh, để nguội rồi vớt ra thái vừa ăn.
Điều cần chú ý nhất để lòng luộc được trắng, giòn là phải luộc nhanh, khi vừa chín tới là phải vớt ra ngay. Để càng lâu, lòng sẽ càng bị dai.
Các chọn mua lòng ngon ngoài chợ
Để mua được phần lòng ngon nhất và còn đảm bảo được độ tươi mới, bạn cần tìm được nguồn mua hàng uy tín, chất lượng. Lòng lợn hay bị đắng, dai đặc biệt là đoạn lòng cuối, to, mỏng, chất dịch bên trong màu vàng, có màu sẫm hơn và có lẫn các tia máu. Chọn lòng ngon nên chọn đoạn lòng đầu, cuống bé, ống ruột căng và tròn, có màu trắng hồng và chất dịch bên trong màu trắng sữa.
Gợi ý một số món ngon từ lòng lợn
Canh lòng lợn hoàng kỳ: Dạ dày lợn 1 cái (hoặc ruột lợn 1 đoạn), hoàng kỳ 15g, nhân sâm 8g, gạo tẻ 200g, hạt sen bỏ tâm 20g. Lòng luộc chín thái miếng. Tất cả bung nhừ, vớt bỏ bã hoàng kỳ, nhân sâm, thêm hành và gia vị. Dùng cho thai phụ, sản phụ, người cao tuổi suy nhược cơ thể.
Lòng lợn hầm: Dạ dày lợn 1 cái, làm sạch thái lát, thêm gia vị, nước, hầm nhừ, ăn thường nhật, tuần vài ba lần. Dùng cho các trường hợp lang ben, bạch biến, sạm da.
Lòng lợn dầm tương: Dạ dày hoặc ruột lợn, lượng thích hợp luộc chín, thái lát. Dùng tỏi, dấm, hồ tiêu, tương (hoặc nước mắm) làm nước chấm. Ăn thường ngày khi đói, ngày 1 lần, tuần 2 - 3 lần. Dùng cho người cao tuổi thiểu dưỡng, phù nề hai chân.
Lòng lợn hầm sa nhân chỉ xác: Dạ dày lợn 1 cái, chỉ xác 12g, sa nhân 5g. Chỉ xác, sa nhân bỏ trong dạ dày lợn, khâu chặt lại, thêm nước và gia vị, hầm nhừ; lấy nước bỏ bã chỉ xác, sa nhân. Dùng cho các trường hợp sa dạ dày, sa tử cung, thoát vị bụng, người già yếu thoát vị cơ năng.
Canh lòng lợn hầm hoàng kỳ thăng ma chỉ xác: Ruột lợn (lấy đoạn đại tràng) 250g, hoàng kỳ 20g, thăng ma 9g, chỉ xác 10g. Ruột lợn làm sạch thái miếng, cho 3 dược liệu cho trong túi vải, thêm nước. Hầm chín, bỏ gói bã thuốc, thêm gia vị. Chia 2 lần ăn trong ngày. Đợt dùng liên tục 7 ngày. Dùng cho các trường hợp sa dạ dày, sa tử cung, các loại thoát vị.
Trúc Chi (t/h)