Khoảng giữa thế kỷ 17, ông Christian Huygens là một nhà bác học vật lý nổi tiếng người Hòa Lan tình cờ tìm ra một hiện tượng tự nhiên trong trời đất. Ông mô tả rằng khi nhiều đồng hồ quả lắc được để gần nhau, sau một thời gian nào đó, các quả lắc sẽ lắc đồng nhịp, có thể khác chiều nhưng luôn luôn có chung một tần số dao động.
Ông cho rằng thiên nhiên luôn luôn có sự hài hòa, khi hai hệ thống được kề cận nhau, vật đi nhanh sẽ giảm tốc độ, và vật đi chậm sẽ tăng theo, để được nhịp nhàng có cùng một chu kỳ. Hiện tượng này có thể lập lại để quan sát và chứng minh dễ dàng nên nhà bác học này đã gọi khám phá này là sự đồng nhịp (entrainment).
Não bộ của con người lúc sống luôn luôn phát ra những luồng điện rất nhỏ có tần số rõ rệt và có thể đo được chính xác với máy điện não đồ (EEG, Electroencephalography). Khoa học hiện đại phân loại năm tần số chính của những dao động trong não bộ sinh ra những luồng điện này và có tên là: sóng delta, theta, alpha, beta, và gamma.
Delta – Sóng delta có tần số không quá 4 Hz. Loại sóng này có biên độ rất cao và thông thường hay xuất hiện trong não bộ người lớn khi ngủ say không mộng mị hay khi bất tỉnh. Trẻ em khi ngủ say đôi khi cũng có. Ở người lớn, loại sóng này thông thường xuất hiện tại não bộ phía trước, và tại não bộ phía sau ở trẻ em.
Theta – Sóng theta có tần số từ 4 đến 7 Hz. Loại sóng này được thấy ở các trẻ em nhỏ. Sóng theta xuất hiện khi buồn ngủ, trong những khi được thư giãn hoàn toàn nhưng vẫn còn tỉnh thức, khi có ý nghĩ tà dâm, kề cận trai gái, và nhất là khi nhập định ở những người tu tập thiền định thành công.
Alpha – Sóng alpha có tần số từ 8 đến 12 Hz. Loại sóng này thông thường xuất hiện ở não bộ phía sau, tụ về một bên não. Những sóng não khi tụ về một bên có biên độ cao hơn phía không tụ. Sóng alpha xuất hiện khi nhắm mắt, hay trong lúc tập thở đều để được thư giãn, hay lúc ngủ sắp thiếp đi. Sóng alpha sẽ tan biến hay giảm hẳn biên độ khi mở mắt trở lại hay khi bắt đầu suy nghĩ hoặc tỉnh ngủ.
Beta – Sóng beta có tần số từ 12 đến 30 Hz. Loại sóng này thông thường tụ về não bộ phía trước và đối xứng cả hai bên não trái và phải. Sóng beta xuất hiện khi phải tập trung suy nghĩ, bận rộn, chăm lo mải mê làm công chuyện, hay trong khi làm những việc quen thuộc không đòi hỏi suy nghĩ nhiều. Sóng beta luôn luôn xuất hiện khi mắt mở và đã tỉnh táo.
Gamma – Sóng gamma có tần số từ 25 đến 100 Hz. Khoa học hiện đại chưa hiểu rõ mục đích và nhiệm vụ của loại sóng não này nên vẫn còn có nhiều tranh luận sôi nổi. Nhiều giả thuyết lý luận rằng sóng gamma phát xuất từ khối não chứa tuyến yên (thalamus), tập trung ở tần số 40 Hz và giúp não bộ có trí nhớ và ý thức được các sự việc xảy ra chung quanh. Loại sóng này còn được tìm thấy ở những bậc tu hành Phật giáo Tây Tạng khi nhập định tĩnh lặng ở trình độ giác ngộ.
Khi thực hành tu tập thiền định lúc khởi đầu, các thiền sinh không thể nào tránh khỏi trạng thái tạp niệm suy nghĩ lung tung. Hiện tượng này luôn luôn xảy ra vì sóng não bộ luôn luôn tập trung ở tầng beta, trung bình từ 20 đến 30 Hz. Trạng thái tĩnh lặng nhập định chỉ đạt được khi tần số sóng não rơi xuống vùng định từ 4 đến 7 Hz và giữ vững ở tần số này.
Hướng dẫn
Dựa vào nguyên tắc của sự đồng nhịp(entrainment) nói trên, nếu người ngồi thiền trong một môi trường nghe thấy hay cảm giác được những âm thanh hay sự dao động liên tục ở tần số từ 4 đến 7 Hz, sóng não bộ sau một thời gian sẽ tự động giảm tần số để hòa hài có chung tần số với những dao động có tần số thấp hơn. Khi tần số sóng não từ tầng beta (trên 20 Hz) rơi xuống vùng định (từ 4 đến 7 Hz), người đang thiền tự nhiên sẽ có chánh niệm (một ý nghĩ duy nhất) và đạt được trạng thái tĩnh lặng nhập định lúc nào không hay và sẽ không tự chủ được.
Trước thập niên 1970, thiết lập môi trường tạo ra điều kiện nghe thấy hay cảm giác được những âm thanh có tần số từ 4 đến 7 Hz là một trở ngại và thử thách rất lớn. Lý do dễ hiểu là thần kinh thính giác của con người dù bén nhậy tới mức nào chăng nữa cũng bị giới hạn và chỉ nghe thấy âm thanh có tần số từ 20 Hz đến 20 kHz.
Lan Ngọc (Nhạc sóng não)