Có khi thiên đường hay cực lạc cũng chỉ là những giấc mơ mình tạo ra cho mình để trốn chạy thực tại, trốn chạy những khó khăn của chính mình trong ngày hôm nay. Các văn nghệ sĩ, các nhà làm phim và các nhà làm kịch biết nhu yếu đó của con người. Họ biết con người không có an lạc trong giây phút hiện tại, cho nên họ luôn luôn muốn tạo ra những giấc mơ để giúp người ta có thể lẩn tránh, giúp người ta có thể quên bớt những đau khổ và những khó khăn của cuộc sống hiện thực.
Viết một cuốn tiểu thuyết, làm một cuốn phim, kể một câu chuyện là để cống hiến cho người ta những giấc mơ để người ta được vỗ về, nuôi nấng và ấp ủ, để quên đi những đau khổ trong hiện tại. Con đường văn nghệ, con đường sáng tác của số đông là như vậy. Có nhiều nhà nghệ sĩ nói: "Nếu đời không có những giấc mơ thì làm sao sống được!" Vì vậy, phận sự của các nhà nghệ sĩ là tạo ra những giấc mơ: mơ ước cái này, mơ ước cái khác.
Trong khi đó, sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai đi ngược hẳn lại với khuynh hướng trốn chạy đó. Chúng ta được dạy rằng: "Tất cả những gì mầu nhiệm của sự sống nằm ngay trong giây phút hiện tại." Và nếu bỏ giây phút hiện tại thì chúng ta không còn gì nữa. Thiên đường, cực lạc, niết bàn v.v... và những gì mà chúng ta trân quý và ước ao như an lạc, vững chãi, thảnh thơi, v.v... tất cả những cái đó, theo lời Bụt dạy, đều phải được tìm ngay trong giây phút hiện tại. Vì vậy, trở về giây phút hiện tại, chọc thủng giây phút đó để đi vào trái tim của sự sống, đó là sự thực tập của chúng ta. Tại Mai Thôn đạo tràng, chúng ta không chạy theo con đường mà đa số đang chạy theo là tìm tòi sự lãng quên, nương náu vào những giấc mơ để quên đi đau khổ, quên đi những khó khăn hiện thực của cuộc sống.
Trong một buổi thiền tọa, Thầy tự hỏi: "Mình có còn giấc mơ nào cần thực hiện không? Mình có còn ao ước nào nữa không?" Trong một thời gian khá lâu, Thầy tìm tòi, phơi bày chiều sâu tâm thức ra mà vẫn không tìm thấy được một đối tượng nào của ước mơ chưa được thực hiện. Ai mà lại không có những giấc mơ? Ai mà lại không có những ước mộng chưa thành? Nhưng hôm ấy trong khi ngồi thực tập quán chiếu, Thầy không thấy có một giấc mơ nào hay một ước vọng nào chưa thành cả. Đó là một điều rất là ngộ nghĩnh. Có khi nhìn trời, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn cây, nhìn cỏ, nhìn các sư cô, sư chú, Thầy thấy rằng: "Thực tại đẹp hơn bất cứ giấc mơ nào mà mình có thể mơ tưởng." Chỉ cần so sánh chú bé ngày xưa, năm mươi bốn năm về trước, với chú bé ngày nay là mình đã thấy được nụ cười rồi. Thấy rõ ràng rằng sự thực tập của mình, con đường mình đi đã đem lại cho mình rất nhiều hạnh phúc.
Được sống với tăng thân, được sống với các bạn từ mấy mươi nước tới, được sống với người tại gia và người xuất gia, cùng nhau thực tập con đường của vững chãi, của an lạc, của thảnh thơi, đó đã là một nguồn hạnh phúc lớn. Nó có thể lớn hơn bất cứ một ước mơ nào, vì đây không phải là ước mơ, đây là sự thực. Giờ đây, mỗi khi đi thiền hành ngang qua những cây tùng ở xóm Thượng, Thầy thường dừng lại để ngắm nhìn. Những cây tùng đó tên là Tùng Đại Tây (Cèdre Atlantica). Những cây tùng này được trồng cách đây mười lăm năm và bây giờ đã lên cao, rất hùng vĩ, rất vững chãi. Thầy hay nhìn chúng mỉm cười. Thầy thấy những cây tùng đó là những sư cô và sư chú đang đứng vững vàng trong gió, trong tuyết, trong mưa và Thầy cảm thấy rất hạnh phúc.
Một người tu tập cũng vậy, một sư chú, một sư cô, một người Tiếp Hiện, nếu tu tập vững chãi, thảnh thơi, trải qua mưa gió, khắc phục được những khó khăn, đứng vững trong cuộc đời này, một người như vậy có thể đem lại rất nhiều niềm tin, an lạc và hạnh phúc cho những người xung quanh, cho cảnh vật xung quanh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (trích pháp thoại "Đi gặp mùa Xuân")