Những năm tháng sống chết ở chiến trường
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thành, thôn Liễu Lâm, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào một buổi sáng mùa hè oi bức. Tại ngôi nhà ba gian mái ngói đã cũ, ông Thành kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng mình tham gia chiến đấu. Theo lời ông kể lại, vào ngày 28/12/1965 ông cùng với nhiều trai tráng trong làng theo tiếng gọi của quê hương đất nước đã nhận được lệnh lên đường nhập ngũ. Ngày 4/1/1966, ông chính thức về đơn vị để huấn luyện, cho đến tháng 7/1966 ông cùng nhiều đồng đội của mình lên trực thăng đi vào chiến trường miền Nam ác liệt. Nơi nhập ngũ đầu tiên của ông là tiểu đoàn Lê Châu Đốc, đơn vị bộ binh để bổ sung ra các đơn vị khác. Thời gian ở chiến trường, ông được phân công về sư đoàn 305 do trung tướng Lê Quang Đạo, chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm phụ trách làm anh công vụ. Tuy ít khi phải ra chiến trường chiến đấu nhưng nhiệm vụ này của ông cũng hết sức nặng nề. Hằng ngày, ông có nhiệm vụ bảo vệ các tài liệu và bảo vệ sự an nguy cho các thủ trưởng, cấp trên những người trực tiếp chỉ huy cho cuộc chiến đấu.
Theo lời tâm sự của ông, ông được phục vụ các vị tướng này khoảng 3 tháng rồi được cử đi học lớp hạ sỹ quan, sau đó được bổ sung về Sư đoàn 3 chiến đấu. Nhiệm vụ của ông không chỉ bảo vệ các tài liệu quan trọng mà sự an nguy của các tướng cũng rất quan trọng, các ông đi đâu, làm gì ông phải đi theo bảo vệ, không được rời xa nửa bước, ngay cả khi ngủ ông cũng phải nằm gần để bảo vệ họ. Ý thức được trọng trách nặng nề đó của mình, ông chỉ biết cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao phó đó. Bên cạnh công việc làm công vụ ông được giao luôn cả nhiệm vụ làm công tác liên lạc, đưa thư từ, tài liệu. Năm 1968, ông được bổ sung đi B (chiến trường miền Nam) và được phục vụ Thiếu tướng Đàm Liên lúc đó đang làm Sư đoàn trưởng từ năm 1968 đến tận năm 1973.
Trong thời gian này, ông có trực tiếp tham gia chiến đấu ở các khu vực như cảng Ninh Trữ, sân bay Thành Sơn, Kẹt Bồ Bồ (tỉnh Ninh Thuận), Phan Giang, Phan Thiết. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe thêm về lần ông bị thương. Lúc đó vào khoảng 12h đêm ông được giao nhiệm vụ đi xuống tiểu đoàn 2 đưa một tài liệu rất quan trọng, nhưng không may bị máy bay lên thẳng của địch phát hiện và rồi ông bị trúng đạn. Cũng may lần đó ông thoát khỏi cái chết, dù bị thương nhưng ông vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, sau lần bị thương này ông được cho về an dưỡng ở Bến Thủy. Vào ngày 30/4/1975 ông được xuất ngũ và ra ngoài Bắc, được bổ sung về làm trợ lý của tỉnh đội Bắc Giang gần một năm. Tuy nhiên, vì gia đình khi đó rất khó khăn nên ông trở về nhà giúp đỡ gia đình cho tới nay.
Ông Nguyễn Văn Thành, người lính từng bảo vệ các vị tướng.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, ông Thành bồi hồi nhớ lại những năm tháng của mình ở chiến trường, dù hoàn cảnh chiến đấu khó khăn gian khổ, có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng với ông Thành đó lại là những năm tháng đầy ý nghĩa và kỷ niệm mà ông không bao giờ quên. Khuôn mặt khắc khổ của người cựu binh bừng lên khi ông tự hào kể cho chúng tôi nghe về trận đánh ác liệt mà ông được trực tiếp tham gia chiến đấu. Đó là trận đánh ở hải cảng Ninh Trữ đến sân bay Thành Sơn vào năm 1968. Lúc đó, vào 5h chiều ông cùng với rất nhiều đồng đội của mình xuất quân đi đến chỗ tập kết, rồi tới 11h đêm tất cả đồng loạt cùng nổ súng. Trong trận đánh này, ông đã bắn liền một lúc được 7 quả B40, được tuyên dương trước toàn quân. Với thành tích đó, ông còn hai lần được cử đi dự Đại hội đoàn của toàn quân khu, được các thủ trưởng báo cáo lên trên và được khen ngợi.
Được biết, trong các vị tướng mà ông Thành được phục vụ người để lại cho ông nhiều ấn tượng và kỷ niệm nhất chính là thiếu tướng Đàm Liên. Đó cũng là người mà ông có thời gian được phục vụ nhiều nhất, một vị chỉ huy giỏi, luôn luôn gần gũi và giúp đỡ mọi người. Nhưng trong một lần bị B52 đánh vào, thiếu tướng Đàm Liên đã hy sinh anh dũng, toàn bộ Bộ tham mưu chỉ còn lại có hai người, trận đó ông được giao cho đi gửi công văn, khi về nghe các anh em nói bị B52 phá hết cả Sư đoàn ông đã rất buồn và khóc thương cho các đồng chí của mình. Kể đến đây, nước mắt ông trào ra khi nhớ lại những ngày tháng đau thương đó.
Nỗi buồn cuối đời của người cựu binh già
Ông Thành cho chúng tôi biết rằng, mặc dù ông có tới 11 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường và bị thương song hiện nay ông vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước. Mọi giấy tờ của ông tham gia kháng chiến vẫn còn đầy đủ, bên cạnh đó ông còn bị thương tật 11%. Hiện tại, trên đùi trái của ông vẫn còn một mảnh kim khí, bên cổ chân phải cũng bị ảnh hưởng bởi vết thương từ chiến tranh khiến cho ông hay bị đau hoặc đi không vững khi trời trở rét, giở giời là lại bị co gân rất đau. Cánh tay trái của ông chỗ gần chạm vai cũng vẫn còn một viên bi đang ngày đêm hành hạ khiến ông bị đau nhức, khó chịu. Ông Thành đã nhiều lần đề nghị được đi giám định lại thương tật để có thể được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng nhưng huyện vẫn chưa giải quyết. Ánh mắt đầy vẻ đượm buồn, ông kể cho chúng tôi nghe về quãng thời gian ông cùng với nhiều người làm đơn lên xã, lên phòng Lao động - Thương binh - Xã hội của huyện với mong muốn họ sẽ xem xét, rồi cho ông đi kiểm tra lại mức độ thương tật một cách chính xác hơn để xem có chế độ nào dành cho những người tham gia kháng chiến như ông không. Nhưng từ năm 1982 đến nay, ông đã không biết bao lần đưa đơn, rồi tiến hành làm thủ tục khai báo nhiều lần nhưng hiện ông vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Hoàn cảnh của ông đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Ông tâm sự, gia đình ông từ thời còn các cụ đã có truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Ông chỉ cho chúng tôi ngôi nhà ngang đã cũ của mình nơi có chiếc hầm bí mật và cũng là nơi gia đình ông đã che giấu nhiều cán bộ cách mạng. Đó cũng là nơi mà Đại tướng Văn Tiến Dũng và trung tướng Lê Quang Đạo đã về đó tránh giặc hai ngày đêm. Nay chiếc hầm đó gia đình ông đã lấp lại để phục vụ sinh hoạt gia đình. Đến đời ông tuy không lập được chiến công hiển hách nhưng cũng đã vào sinh ra tử vậy mà giờ đây cuộc sống của ông từ khi xuất ngũ vẫn luôn khó khăn chồng chất. Ông chỉ có mong muốn là giờ đây trong cuộc sống cô đơn một mình (vợ ông đã qua đời được mấy năm), không thể làm được nhiều ông sẽ được Nhà nước hỗ trợ cho cuộc sống hiện tại của mình bớt khó khăn hơn. Mặc dù, ông đã đưa đơn nhiều lần mong các cơ quan ban ngành giải quyết cho trường hợp của ông, nhưng vì mấy năm rồi cứ đưa đơn rồi lại khai báo mà không có kết quả gì khiến cho ông cảm thấy vô cùng chán nản.
Khi chúng tôi hỏi ông bây giờ ông có làm đơn nữa không thì ông buồn bã lắc đầu, ông nói: “Thôi tôi già rồi, đưa đi đưa lại mấy năm rồi mà họ vẫn không giải quyết cho mình, bây giờ tôi cũng chán và không làm nữa, chỉ mong sao trời cho sức khỏe để tôi có thể hương khói đầy đủ cho bà nhà tôi và có thể giúp đỡ các con, vì chúng cũng vất vả, khó khăn lắm”. Ông cũng cho biết thêm, mọi năm khi sức khỏe còn tốt, bà nhà mất rồi nhưng ông vẫn cố gắng làm mấy sào ruộng, nhưng từ năm ngoái tới năm nay sức khỏe yếu ông chỉ làm có một sào đủ để nuôi mình. Nhìn ông ngày ngày một mình thui thủi trong ngôi nhà đã cũ với cuộc sống vô cùng khó khăn như vậy chúng tôi không khỏi chạnh lòng và mong sao một ngày gần nhất Nhà nước sẽ dành cho ông sự hỗ trợ gì đó thỏa đáng để bù đắp lại cho ông quãng thời gian đã cống hiến cho đất nước. Gần đây, theo Nghị định 41, 42 ông mới được Nhà nước cho 7,4 triệu và được hơn 1 triệu đồng tiền huân chương. Ngoài ra, ông Thành vẫn chưa được hưởng một chế độ hay khoản trợ cấp nào hàng thángn
Tươi Pháp