Những người chăn nuôi cả nước đang điêu đứng trong cuộc khủng hoảng thịt lợn được xem là lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Khi một con lợn xuất chuồng, trung bình người chăn nuôi lỗ trên dưới 10.000 đồng/kg thịt lợn hơi.
Tình hình đã trở lên cấp bách đến mức bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (bộ NN&PTNT) phải kiến nghị Chính phủ 2 nhóm giải pháp hỗ trợ, trong đó có 3 nhóm giải pháp trước mắt và 2 giải pháp lâu dài. Đây được coi là kiến nghị tích cực để có thể đẩy giá thịt lợn lên.
Tuy nhiên, các chuyên gia, người nông dân chỉ coi biện pháp của bộ NN&PTNT là biện pháp tạm thời còn làm thế nào để những người nông dân không lâm vào nghịch cảnh đó mới là điều mà người dân hi vọng.
Như ông Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, ‘Hiện nay, thịt lợn của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu (XK) sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tỉ lệ lợn được thông quan qua đường chính ngạch rất thấp, chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Một phần nhỏ XK sang Nga, Đài Loan, Hong Kong (Trung Quốc)… chủ yếu lại là lợn sữa.” Như vậy đối với một thị trường có tiếng là “đỏng đảnh” như Trung Quốc, việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này không khác nào khiến người nông dân "đu trên dây". Khi Trung Quốc nhập nhiều, thịt lợn giá tăng, người nông dân ùn vào nuôi lợn và khi họ không nhập nữa, người chăn nuôi lại lâm vào cảnh điêu đứng như hiện nay.
Cuộc khủng hoảng thịt lợn lần này càng nghiêm trọng hơn bởi đàn lợn trong nước quá lớn so với nhu cầu (29 triệu con). Việc quy hoạch đàn lợn cho phù hợp với thực tế đã không được tính toán tới, dẫn đến việc nuôi tràn lan, phá vỡ quy hoạch đàn. Ngành chăn nuôi lâm vào bi kịch của ngành trồng trọt khi “được mùa rớt giá” cũng bởi quy hoạch đàn, quy hoạch vùng không được tính toán cẩn trọng.
Bên cạnh đó, việc thịt lợn Việt Nam chưa có thế mạnh XK nhưng đã phải chịu sự cạnh tranh của lợn ngoại bởi các sản phẩm của ngành chăn nuôi không có tính cạnh tranh. Nguyên nhân được chỉ ra đó chính là do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún và lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong phòng, trị bệnh và kích thích sinh trưởng, gây tồn dư trong thịt. Các sản phẩm từ ngành chăn nuôi như thịt đóng hộp, thịt xông khói, dăm bông, lạp xường... hoàn toàn thất thế đã khiến cho lượng thịt tươi dư thừa càng dồn ứ.
Đó là chưa nói đến việc hệ thống phân phối các sản phẩm đến với siêu thị, ra chợ của người nông dân đang gặp quá nhiều khâu trung gian khiến người bán thịt giá rẻ mà người mua thịt phải mua giá đắt. Các khâu trung gian như con đỉa 2 vòi hút máu người nông dân và người tiêu dùng.
Để cơn “bĩ cực” của người nông dân qua đi, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn thẳng vào vấn đề và có quy hoạch lâu dài cho ngành chăn nuôi. Cần những chuỗi liên kết có hiệu quả, phân khúc thị trường, vùng nuôi theo thế mạnh. Tránh tình trạng nuôi trồng tràn lan như hiện nay. Cần có một chiến lược bài bản hơn để phát triển sản xuất trong nước, hàng hóa đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Đừng để “điệp khúc nước mắt” cứ chảy dài và cộng đồng lại phải “giải cứu” như dưa, như khoai trước đây.
Trần Phương