Gửi hồn trong thổ cẩm
Thổ cẩm được tạo ra không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu trong gia đình, mà còn là tài sản để trao đổi hàng hóa và cũng là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng. Bởi vậy, các cô gái M’Nông trước tuổi trưởng thành đều được bà, mẹ truyền dạy cách dệt thổ cẩm.
Chúng tôi đến bon Bu Koh (xã Đắk Rtít, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) vào một buổi sáng của những ngày giáp xuân. Trong cơn gió se lạnh, bà Thị Ai vẫn miệt mài bên khung cửi. Bà luồn từng sợi tơ, dệt tấm thổ cẩm để chuẩn bị cho lễ hội khi xuân về. Qua đôi bàn tay khéo léo, những sợi bông vải được kết nối, hóa thân thành bức tranh đa sắc màu, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc M’Nông.
Bà Thị Ai là một trong những nghệ nhân dệt thổ cẩm lâu đời nhất ở bon Bu Koh. Khi mới 10 tuổi, bà đã được mẹ truyền dạy cho cách quay tơ, nhuộm màu, dệt thổ cẩm. Gần 60 năm ngồi bên khung cửi, người phụ nữ này đã dệt nên hàng ngàn sản phẩm độc đáo như: Giỏ xách, chăn, quần, áo, phục vụ cho gia đình và xã hội. Mỗi sản phẩm làm ra, bà đều gửi hồn vào từng sợi tơ, đường chỉ và xem nó như những đứa con tinh thần của mình.
Bà Thị Ai cho biết, ngày xưa, để dệt được một tấm thổ cẩm, người phụ nữ M’Nông phải mất nhiều tháng trời để chuẩn bị các công đoạn. Trong đó, công đoạn chuẩn bị nguyên vật liệu là kỳ công nhất. Vào mùa giáp hạt (vụ mùa đầu tiên-PV), từ tháng Tư, tháng Năm, người phụ nữ phải gieo hạt bông trên nương rẫy. Đến khoảng tháng Mười, những khóm bông vải đủ độ chín sẽ được hái, đem về nhà để se tơ, đánh sợi.
Sau khi xong quá trình se tơ, đánh sợi, công đoạn nhuộm màu cho tơ là công đoạn rất kỳ công. Màu sắc trên thổ cẩm thường được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên. Màu đen được tạo ra bằng cách ngâm lá chùm bầu, hay lá trám với bùn non. Màu nâu hoặc đỏ sẫm được lấy từ các loại vỏ cây. Màu xanh được lấy bằng cách nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum. Màu vàng được tạo ra từ củ nghệ. Trong đó, màu nâu đỏ được chế biến khá phức tạp, phải ngâm vỏ cây sủi, đun sôi khoảng 3 giờ đồng hồ và làm mát qua đêm, pha thêm phèn sau đó ngâm sợi vải ở nhiệt độ 800C mới ra được màu.
Sau khi hoàn tất các công đoạn về nguyên liệu, người phụ nữ mới đan tơ, xếp sợi lên khung cửi rồi dệt. Để tấm thổ cẩm đẹp, có thần sắc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Chia sẻ bí quyết, bà Thị Ai tiết lộ: “Để dệt một chiếc chăn phải mất hơn 20 ngày, một chiếc áo mất 10 ngày, một chiếc khăn mất ít nhất 5 ngày. Vì thế đòi hỏi người phụ nữ phải cần cù, khéo léo và tỉ mỉ mới làm được sản phẩm tinh xảo. Không chỉ vậy, để dệt được tấm thổ cẩm đẹp, người dệt phải gửi tâm tư, tình cảm vào từng đường tơ nét chỉ thì thổ cẩm làm nên mới có hồn”.
Các họa tiết trên thổ cẩm của người M’Nông được bố trí xen lẫn, nổi lên trên bề mặt vải như thêu. Những hoa văn này đem lại cho bề mặt vải sự tương phản về đường nét, màu sắc, họa tiết...
Giữ hồn cho lớp trẻ
Trong những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm dần mai một. Người dân chạy theo những trang phục hiện đại, bỏ quên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Trước những nỗi niềm trăn trở của các nghệ nhân, từ năm 2010 đến nay, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tạo điều kiện khôi phục, phát huy truyền thống văn hóa của người dân tộc bản địa, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm. Qua đó, xã Đắk Rtít cũng đã phối hợp với trung tâm Đào tạo nghề mở 34 lớp học dệt thổ cẩm cho 10 thôn, buôn trên địa bàn. Mỗi lớp học kéo dài từ 3-4 tháng để người dân học lại nghề truyền thống của dân tộc mình.
Điều đáng khích lệ, các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm được nhiều chị em trong bon háo hức đăng ký tham dự, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi, ai cũng muốn khơi dậy bản sắc văn hóa và giữ gìn nghề truyền thống. Mặc dù mới 14 tuổi, nhưng sau 2 tháng học nghề dệt, em Thị An đã có thể tự tay dệt được khăn tay, khăn choàng. Không chỉ vậy, sau giờ tan trường, lúc rảnh rỗi, Thị An thường tìm đến nhà các nghệ nhân để học hỏi. Ngồi bên khung cửi, đôi bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn của cô học trò nhỏ đã điêu luyện như những nghệ nhân chuyên nghiệp.
Chia sẻ với PV về khôi phục nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người M’Nông ông Điểu Minh – Chủ tịch UBND xã Đắk R’tít cho biết: "Được sự quan tâm của các ngành chức năng, nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông đã phục sinh. Thông qua các lớp dạy nghề, đến nay toàn xã đã có 90% phụ nữ người M’Nông biết dệt thổ cẩm. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong công tác khôi phục nghề truyền thống dân tộc. Nguyện vọng của chính quyền địa phương là mong muốn các ngành chức năng tạo điều kiện để sản phẩm của bà con được các dân tộc anh em biết đến nhiều hơn. Từ đó người dân có thể sống với nghề, phát huy và lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc”