Vừa tiếp chuyện chúng tôi, cô Vinh vừa thoăn thoắt nhào bột. Mồ hôi đẫm áo nhưng cô vẫn miệt mài làm việc cho kịp tiến độ công việc.
“Ngày nào tôi cũng làm việc cật lực. Không chỉ phải học nghề mà phải tự mình khắc phục được với nhiệt độ trong xưởng làm bánh. Chỉ cần vào xưởng vài phút là mồ hôi đổ ra như tắm.
Khổ nhất là những thợ làm công việc nướng bánh, bởi bánh được đưa vào lò lúc nào cũng phải ở nhiệt độ 2000C. Họ phải thường xuyên thay nhau lật để bánh được chín đều. Khi những chiếc bánh thơm dậy mùi thì cho ra lò và tiếp đến là khâu đóng gói.
Có người nói sao không tìm việc khác, nhưng tôi đã gắn bó với công việc này đã được hơn 5 năm rồi, thành thợ “cứng”. Dù có hôm, đi làm về chân tay rã rời nhưng hôm sau, nhìn sản phẩm do chính tay mình làm ra được bày bán, chúng tôi lại hăng say làm việc”, cô Vinh chia sẻ.
Cô Vinh cũng đã đi nhiều tiệm bánh Trung thu để làm việc, ở đâu cô cũng thấy, họ chỉ giao cho mỗi người thợ đảm nhận một công đoạn trong khâu làm bánh. “Khi đến bất kỳ tiệm bánh Trung Thu nào chủ sẽ hỏi làm bao giờ chưa, nếu làm rồi thì làm công đoạn nào, rồi giao đúng với công đoạn đó. Hoặc có những người khó tính hơn luôn đứng bên cạnh để giám sát. Tôi biết, đây là nghề gia truyền, mình có cố gắng học cũng không được”, cô Vinh cho biết.
Còn theo anh Nam, làm bánh Trung Thu không khó, nhưng ngon hay dở phải phụ thuộc vào chính cái tâm của người thợ. Dù lương có thấp, phải thức thâu đêm nhưng nếu say mê người thợ sẽ không bỏ cuộc.
Anh Nam kể: “Càng đến ngày Rằm tháng Tám thì khối lượng công việc càng tăng lên nhiều. Tôi làm từ 7h sáng đến 11h30 thì nghỉ, chiều làm từ 13h đến 18h. Tuy nhiên, có nhiều hôm cũng phải tăng ca đến tận khuya để đủ bánh phục vụ khách hàng. Hơn nữa, khi ông chủ hoặc chính chúng tôi nghĩ ra những mẫu mã mới thì phải kỳ công để làm. Mỗi loại bánh sẽ có một đặc trưng riêng. Vì thế, người thợ cũng cần phân biệt thật kỹ, đảm bảo khâu của mình sẽ không mắc bất kỳ sai sót gì”.
Dù tay nghề có cao và dần được nâng cấp, nhưng nếu giữa những người thợ không có sự kết hợp ăn ý với nhau thì không thể cho ra một chiếc bánh đặc biệt thơm ngon được.
“Mỗi thợ ở một khâu dù đầu hay cuối đều quan trọng như nhau, phải có sự kết hợp khéo léo với nhau. Nếu như bột không được trộn kỹ, mềm, nhân làm không tạo được mùi thơm độc đáo, nướng bánh không kỹ... thì chiếc bánh đó coi như bỏ đi và làm lại mẻ khác. Dù là thợ làm thuê nhưng chúng tôi đặt chất lượng lên hàng đầu và muốn chính mình cũng lấy được lòng tin của khách hàng”, anh Nam nói.
Không chỉ có anh Nam, cô Vinh mà còn rất nhiều thợ làm bánh Trung Thu đã tỉ mỉ tạo ra những chiếc bánh Trung Thu hấp dẫn, thơm ngon. Dù họ không phải “con nhà nòi” và làm theo thời vụ nhưng họ luôn say mê và yêu thích công việc này.
Nghệ sĩ làm bánh Trao đổi với PV, ông Phạm Vi Bảo, chủ tiệm bánh Trung Thu Bảo Phương cho biết: “Cách Trung Thu khoảng 2 tháng chúng tôi thường thuê thêm thợ. Nhưng người được chọn là người có kinh nghiệm, làm lâu năm. Chứ gần ngày Trung Thu mà tuyển thợ mới thì không có thời gian đào tạo. Thợ phải chịu được áp lực công việc, làm nhanh và chịu khó học hỏi thì mới thành thợ chính được. Nói chung các thợ đến đây đều đã qua khổ luyện và họ giống như một nghệ sĩ đang làm bánh”.
|
Mai Thu - Vân Anh