Ba tháng "độ" xong máy bay
Ngôi nhà đồng thời là xưởng hàn, tiện của anh Thắng nằm khuất sau những con phố chật chội, ngoằn ngoèo. Thế nhưng, hằng ngày nhiều bạn bè và hàng xóm vẫn tự tìm đến đây để xem anh làm việc, chiêm ngưỡng chiếc máy bay mới "độ" thành công cách đây mấy tháng và những chiếc mô tô đẹp long lanh do chính tay anh làm.
Anh Thắng dẫn chúng tôi đến bên "xưởng" của gia đình rồi bảo: "Các em thông cảm, nói là xưởng cho nó sang cái miệng chứ thực ra nó chỉ bé chừng này thôi". Nhìn tổng thể, xưởng của anh chỉ rộng khoảng 30m2, nổi bật giữa xưởng là chiếc máy bay màu vàng dài 6,5m, cao 2,45m, xung quanh bày la liệt các loại thép ống, thép tròn... dùng vào công việc "độ" hằng ngày, trước mũi máy bay đủ chỗ cho một chiếc xe phân khối lớn.
Với không gian chật chội như vậy nên muốn chụp cái ảnh toàn cảnh chiếc máy bay cũng khó. Thấy chúng tôi cứ loay hoay tìm một vị trí chụp ảnh, anh Thắng chần chừ: "Các em "chịu khó" vậy, giờ anh không lôi được máy bay ra đường vì không có máy kéo, để anh gửi cho cái ảnh hôm thử nghiệm vậy".
Bộ phận truyền động từ rotor cánh quạt chính đến cánh quạt đuôi.
Anh Thắng cho biết: Đầu năm 2013, một lần anh đọc báo thấy một người trong miền Nam chế tạo được máy bay, lập tức trong đầu anh tự vấn "không biết khả năng "độ" của mình đến đâu?". Ngay sau đó, anh bắt tay vào việc tìm mua vật liệu tiến hành "độ" máy bay. Từ khi hình thành ý tưởng cho đến lúc hoàn thiện sản phẩm chỉ mất 3 tháng, với tổng chi phí gần 200 triệu đồng. Sở dĩ anh thực hiện công việc với thời gian nhanh như vậy là vì anh có kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề "độ" các loại xe máy.
Mặc dù việc "độ" xe máy và máy bay có nhiều điểm khác biệt, nhưng với kinh nghiệm bản thân, anh đã xử lý nhanh các chi tiết phức tạp nhất để hoàn thành chiếc máy bay cho riêng mình. "Khi triển khai thực hiện, cứ tưởng bà xã tôi phản đối dữ dội, nhưng không ngờ bà ấy lại rất say mê và ủng hộ rất nhiết tình, lại còn giúp đỡ những việc lặt vặt phát sinh, từ đó công việc trở nên thuận lợi vô cùng", anh Thắng tiết lộ.
Để có được chiếc máy bay trong thời gian ngắn không hề đơn giản, đầu tiên anh phải tìm mua loại thép có độ đàn hồi cao, chịu lực tốt để làm khung giúp nó có thể nâng được khối động cơ, máy móc có trọng lượng nặng tới 250kg. Tiếp đó là chế tạo cánh quạt, anh dùng những thanh thép dẻo làm "xương sống" cho cánh rồi bọc lớp inox vào hàn lại. Công việc tiếp theo và cũng khó khăn nhất đó là "độ" động cơ 38kw từ vòng tua 4.500 - 5.000 vòng/phút xuống còn 700 vòng/phút.
Động cơ 38kw đạt trọng lượng cất cánh 250kg.
Để làm được việc này anh đã thay thế hộp số cũ bằng hộp số mới do anh tự hàn, tiện. Tiếp đó, anh phải "độ" bộ phận truyền động từ hướng dọc thành hướng ngang, mua thêm những vòng bi xe máy ngoài chợ về làm bộ phận truyền lực từ rotor cánh quạt chính dẫn đến cánh quạt đuôi nhằm triệt tiêu lực dư thừa từ cánh quạt chính, giúp máy bay cân bằng.
Anh Thắng cho biết: "Để điều khiển được máy bay, cần phải tăng ga từ số 0 lên đến số 7, lúc đó tay trái giữ ga, tay phải kéo cần điều khiển cất, hạ cánh để máy bay bay lên. Khi máy bay lên khỏi mặt đất thì tiếp tục kéo ga lên những số lớn hơn (cao nhất là số 12) để tăng lực nâng của máy bay. Khi hạ cánh thì cũng phải giữ ga ở mức số 7 và điều khiển cần hạ cánh, khi máy bay tiếp đất thì mới được giảm ga".
"Thành công!"
Mặc dù máy bay có cấu tạo đơn giản, chỉ chở được 1 phi công, nhưng theo anh Thắng thì đó là một thành công lớn. Cách đây ít lâu, anh đã đem chiếc máy bay ra một mô đất trống để thử nghiệm, kết quả ban đầu cho thấy, máy bay đã thắng được trọng lực và bay lên khỏi mặt đất. Tuy nhiên, còn một số điểm cần phải điều chỉnh thêm, đó là hệ thống truyền động từ rotor chính đến cánh quạt đuôi còn hơi nặng, ảnh hưởng đến trọng lượng của máy bay.
Đĩa chao cánh quạt chính của máy bay.
Lần giở trong chiếc điện thoại ra cho chúng tôi xem về video thử nghiệm lần thứ nhất. Sau khi nổ máy, đôi cánh quạt quay vù vù làm cỏ dại xung quanh bạt nghiêng ngả như có cơn lốc đang quét qua, anh Thắng nắm chặt tay ga và từ từ tăng tốc, kim đồng hồ rotor cánh quạt chính chỉ đến số 7, anh dùng tay trái của mình điều khiển cần cất cánh, lập tức, chiếc máy bay nhấc lên khỏi mặt đất.
"Tôi sợ máy bay lên cao quá ảnh hưởng đến những hộ xung quanh nên cho vợ buộc sợi dây cáp vào gầm máy bay để đảm bảo an toàn. Chứng kiến cảnh chiếc máy bay cất cánh, niềm vui trong tôi như vỡ òa. Tôi đã "độ" được chiếc máy bay theo ý mình, có thể bay lượn trên bầu trời.
Khi tôi "độ" thành công chiếc máy bay này, nhiều người bạn đã đùa: "Chiếc máy bay chỉ có thể dùng vào việc phun thuốc trừ sâu, giống như là một số nông trại ở bên Tây người ta vẫn dùng". Thế nhưng, tôi lại ao ước và hình dung ra một ngày nào đó, chiếc máy bay sẽ chao liệng trên bầu trời, đến những vùng lũ lụt và buông xuống những chiếc thang dây, thả xuống mặt đất những gói hàng cứu trợ kịp thời để cứu hộ cứu nạn, hoặc có thể đem nước chữa cháy thì thật tuyệt vời", anh Thắng cho biết.
Theo anh Thắng, để chiếc máy bay có thể ứng dụng được trong thực tế thì sẽ phải thay thế động cơ 38kw bằng động cơ khác lớn hơn. Bởi đây là động cơ ô tô cũ, không đủ sức mạnh nâng một khối lượng vật chất lớn. Để khắc phục nhược điểm trên, anh đã đặt mua 1 động cơ, 1 cặp cánh quạt chính, các thiết bị đồng hồ đo độ cao, đo áp suất, la bàn... từ nước ngoài về để "độ" máy bay khác hoàn thiện hơn. Có những thiết bị này trong tay, anh có thể "độ" được chiếc máy bay khác có sức nâng 1 tấn, thay vì 250kg như hiện nay. Với sức nâng như vậy thì rõ ràng chiếc máy bay có thể ứng dụng ở những nhiệm vụ cơ bản như cứu nạn, cứu hộ...
"Nghề chính của tôi là "độ" các loại xe máy cho người khuyết tật và xe máy phân khối lớn, một phần lợi nhuận thu được tôi dùng vào việc "độ" máy bay để thỏa mãn đam mê cá nhân". Anh Nguyễn Văn Thắng |
Theo Kiến thức