Tiến sĩ người Mỹ Nicole Van Groningen đưa ra một số lời khuyên về sức khỏe liên quan đến giấc ngủ sau khi nhận thấy một xu hướng đang nổi lên: Ngủ ít để dậy sớm tập luyện. Trong video thu hút 1,3 triệu lượt xem, vị bác sĩ khẳng định: “Bạn sẽ không bao giờ bắt gặp tôi làm như vậy với tư cách là một bác sĩ”.
Tiến sĩ Groningen cho rằng việc thiếu ngủ còn có hại hơn không tập luyện: "Đừng để bất kỳ người nào thuyết phục bạn rằng tốt nhất nên cắt ngắn thời gian ngủ để đến phòng tập thể dục, rèn luyện sức khỏe và có một cơ thể tốt hơn. Ngủ là thói quen chăm sóc sức khỏe cơ bản".
Nữ bác sĩ khẳng định cô không cho rằng mọi người bị bệnh vì những lý do cụ thể, chẳng hạn như thiếu ngủ hoặc lười tập thể dục. Cô nói: "Tôi không bao giờ đổ lỗi tình trạng sức khỏe của một ai đó do họ mắc sai lầm gì”.
Cô giải thích bệnh tật không thể đoán trước được và có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, kể cả những người "khỏe mạnh nhất".
Đồng quan điểm, chuyên gia sức khỏe kiêm huấn luyện viên giảm cân của Mỹ, Stephanie Mansour cũng đưa ra lời khuyên, nếu bạn không thích dậy sớm hoặc không thích tập luyện vào buổi sáng, đừng nên dậy sớm và ép buộc bản thân vào guồng tập luyện.
Trong trường hợp này, bạn phải vượt qua hai rào cản. Thứ nhất, bạn buộc phải dậy sớm khi bạn không thích. Thứ hai, bạn bắt bản thân tập thể dục, khi đó không phải là thói quen vốn có.
Để hình thành thói quen tập luyện, bạn có thể bắt đầu bằng việc tập các bài tập ngắn sau giờ làm, đi dạo sau bữa tối hoặc dành thời gian cuối tuần cho các hoạt động vui chơi năng động. Khi bạn đã làm cho việc vận động trở thành một phần trong thói quen sinh hoạt, bạn mới có thể bắt đầu thử các bài tập thể dục buổi sáng.
Giấc ngủ vô cùng quan trọng với cơ thể. Trong khi ăn không đủ có thể gây thay đổi cân nặng trong cơ thể, thiếu ngủ lại ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ví dụ, vì mệt mỏi, uể oải do thiếu ngủ, bạn dễ có thói quen dùng nhiều đường hoặc cafein, gây ảnh hưởng đến thể chất. Thêm vào đó, các bài tập được thực hiện vào buổi sáng, khi bạn còn đang buồn ngủ và uể oải lại rất không hiệu quả. Trong trường hợp này, cắt giảm thời gian ngủ để tập thể dục gây hại nhiều hơn là có lợi.
Do đó, trong trường hợp bạn ngủ chưa đủ 7-8 tiếng, tốt nhất là nên ưu tiên điều đó. Giấc ngủ sẽ giúp giảm cortisol - chất sinh ra khi bạn căng thẳng vì cuộc sống hối hả, bận rộn.
Nếu bạn là người thường xuyên làm việc căng thẳng, Stephanie Mansour khuyên bạn nên phân bổ giờ tập luyện để không gây ảnh hưởng đến giờ ngủ.
Với những người căng thẳng cao độ thường xuyên, nên chọn các hình thức tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga... để thư giãn thay vì các môn vận động phải thức khuya dậy sớm. Bạn cũng có thể thử tập thể dục trong khoảng thời gian ngắn từ 5-10 phút, ví dụ đi bộ, leo cầu thang... Những hoạt động này cũng tương đương với việc tập luyện, trong khi không khiến bạn phải dành một khoảng thời gian nhất định cho nó.
Để có giấc ngủ sâu bạn nên:
-Trước khi ngủ 2 giờ tránh sử dụng máy tính, điện thoại thông minh
-Lên danh sách những công việc cần làm giúp giảm bớt suy nghĩ khi lên giường.
-Tìm nơi thoái mái để ngủ.
-Mang tất khi ngủ.
-Nghe nhạc nhẹ trước khi ngủ...
Tờ Aboluowang đưa ra cảnh báo mọi người, đặc biệt là người cao tuổi, không nên tập thể dục trước khi mặt trời mọc khi trời vẫn còn xám xịt và có gió lạnh.
Vào thời điểm này, cơ thể vẫn chưa được “làm ấm” và độ nhớt của máu tương đối cao. Tập luyện vất vả vào thời điểm này rất có thể khiến bạn thấy khó chịu và dễ dẫn tới các bệnh về tim mạch, não.
Theo nghiên cứu trên hơn 85.000 người được công bố trên tạp chí Tim mạch Dự phòng châu Âu, hoạt động thể chất từ 8 đến 11h có tác động ngăn ngừa tích cực nhất với bệnh tim mạch và đột quỵ so các thời điểm khác trong ngày.
Minh Hoa (t/h)