Cụm từ này, nguyên ủy, nằm trong một câu có nội dung thông báo rằng, ở buổi đầu của sự nghiệp đi rừng chụp ảnh chim thú quý hiếm, tác giả vốn không phải người sức vóc cường kiện, có thể mang vác được nhiều đồ chuyên dụng: “... từ xanh xao thõng tay đi bộ vào rừng, thở dốc sau mỗi con dốc, tôi đã dần sạm nâu nắng gió, chạy lúp xúp theo hướng di chuyển của đàn voọc với máy ảnh, lens dài, cùng tripod, tất cả xấp xỉ bảy cân...”.
Cho đến đoạn nhà văn viết về những người xem chim thuần túy (birdwatchers): “Họ đến với chim trời trên tay không máy ảnh, máy quay phim, chỉ cần sự hỗ trợ sơ khai của ống nhòm. Họ không mảy may động tâm sở hữu, mang về hình ảnh cánh chim đẹp đã thấy, tiếng hót hay đã nghe, mà dành năng lượng sống vào cuộc kết nối, kết giao trực tiếp và trong khoảnh khắc giữa bản thân với thế giới tự nhiên”, thì tôi nghĩ, “thõng tay vào rừng” đã không còn là câu chuyện về khả năng gồng, gánh, bê, cắp của kẻ đi rừng nữa, mà “thõng tay” tức là “thõng tâm”, là biểu hiện của cái tâm thế xả bỏ, vô cầu, bất vụ lợi, dù chỉ là vụ lợi mấy bức ảnh độc hay mấy đoạn phim đẹp về chim, thú trong rừng.
Vấn đề này, nói là nhỏ thì nó nhỏ vô cùng, mà nói là lớn thì nó rất đáng để suy ngẫm. Những người birdwatchers, bởi vì họ thõng tay thõng tâm với mục đích sở hữu “hình ảnh cánh chim đẹp đã thấy, tiếng hót hay đã nghe”, nên họ không phải vướng bận với máy chụp máy quay, và cái mà họ nhận được từ việc ngắm chim thuần túy thì còn lớn hơn thế nhiều, đó là cảm giác “kết giao trực tiếp và trong khoảnh khắc giữa bản thân với thế giới tự nhiên”. Một cảm giác rất gần với cảm giác liễu ngộ viên mãn của Thiền giả.
Trong đời sống thực tế cũng vậy, ở nhiều trường hợp, nếu con người ta biết thõng tay, thõng tâm khi nhập cuộc, thì chỉ được chứ chẳng mất gì cả. Và ngược lại. Nhắc đến máy chụp máy quay, tôi sẽ lấy một ví dụ: bây giờ, khi vào nhà hát xem biểu diễn nghệ thuật, ta thường thấy có khá nhiều chiếc điện thoại thông minh được giơ lên liên tục để chụp, để quay.
Những hình ảnh tĩnh hoặc động ấy sẽ xuất hiện trên trang cá nhân của đương sự, có thể cùng lúc với hành động chụp, quay, với thông điệp: tôi có mặt ở đây, ngay lúc này, khi sự kiện đang diễn ra. Nghĩa là người ta không biết thõng tay với niềm đắc ý chứng tỏ mình là kẻ được tham dự sự kiện. Cũng có nghĩa là, vì thế, người ta đánh mất cơ hội được đắm mình vào không gian nghệ thuật của tác phẩm, được hoàn toàn thả hồn trong tiếng nhạc, lời ca hay hành động kịch đang ở thì hiện tại tiếp diễn trên sân khấu.
Ngày tết ngày lễ, ngày rằm hay mồng một, người Việt chúng ta thường lên chùa, đình, đền, miếu, phủ để thắp hương. Sự thực là, nếu không biết thõng tay, thõng tâm với việc xin xỏ Thần, Phật, nào tiền tài, địa vị, danh vọng, tình ái..., thì ta sẽ vô cùng bận bịu vào những mua cùng bán, rồi sắp lễ, rồi tranh nhau chỗ đặt lễ, chen lấn nhau chỗ đứng mà khấn vái xuýt xoa, biến chốn tôn nghiêm thành cửa hàng nhốn nháo để ký gửi những tham vọng trần tục. Và làm như thế, thì còn xa mới kết nối được cái bản ngã của ta vào với cái bản ngã siêu việt linh thiêng của Thánh, Thần. Cứ nhìn vào cảnh chùa Phúc Khánh hay phủ Tây Hồ thì rõ.
Làm cán bộ lãnh đạo, hay còn gọi là làm quan, mà không biết cách thõng tay thõng tâm với tiền bạc và quyền lực, ắt sớm vào chăn kiến trong nhà đá. (Một ông bạn vong niên của tôi, từng giữ vị trí quan đầu tỉnh, chia sẻ: “nhiều tiền quá chỉ tổ mang họa thôi em ạ”. Tôi tin là ông ấy đã nghĩ và nói ra điều rất thật).
Làm nhà tu hành mà thõng tay thõng tâm không nổi trước sắc, dục, thì dẫu có trăm ngàn vạn kiếp gõ mõ tụng kinh cũng không sao tựu thành chính quả. Hay đơn giản, khi nhập cuộc họp tổng kết cuối năm, nếu ai cũng không biết thõng tay thõng tâm trước những danh hiệu tiên tiến xuất sắc đủ loại, cuộc họp chắc chắn sẽ biến thành một cuộc khẩu chiến tranh công.
Thõng tay. Thõng tâm. Tất nhiên là nói thì dễ hơn làm. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ mới ru rín, động viên thiên hạ: “Nào ta cùng lãng quên” (tên một truyện ngắn của chị). Có thể đổi thành “Nào ta cùng thõng tay” được không?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.