“Tôi chỉ có một mình”
Trong những ngày cận kề xuân Kỷ Hợi 2019, nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin quay trở lại nơi tiếp máu (tầng 1) của bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, chúng tôi khá bất ngờ khi tiếp tục nhận được những lời phản ánh của người nhà bệnh nhân đang cầm tờ giấy “tình nguyện hiến máu” và lưỡng lự ký để hiến. Không những vậy, khi cầm tờ phiếu lĩnh máu có ghi số đơn vị máu người bệnh cần mà lòng của họ nặng trĩu.
Ông Nguyễn Văn T. (Thái Bình) có con không may bị tai nạn đang chờ mổ phiên. Cầm phiếu lĩnh máu trên tay, ông nói trong sự lo lắng: “Con trai tôi bị tai nạn xe, vào viện cấp cứu, điều trị đến nay đã được 10 ngày. Con đang chờ mổ phiên thêm một lần nữa, tôi cầm phiếu lĩnh máu, rồi người hướng dẫn yêu cầu gia đình tôi bổ sung 2 đơn vị máu (1 đơn vị tương đương 250ml máu-PV). Tôi ở đây chỉ có một mình, không biết có lấy đủ được không nữa”.
Tương tự, chị Phạm Thị H. (Hưng Yên) với đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ tâm sự: “Người nhà tôi bị tai nạn, nhưng thiếu máu nên giờ mấy người nhà tôi xuống nơi tiếp nhận máu để làm thủ tục xét nghiệm, hiến máu vào kho. Nếu người nào đủ điều kiện thì được hiến, còn không đủ phải đổi người khác. Bệnh viện không bán máu, nên người nhà mình thiếu máu bắt buộc phải hiến máu vào kho, muốn mua máu cũng không có. Còn nếu không có người nhà ở đây, bắt buộc phải đợi tìm người nhà đến hiến đủ mới được”.
Tiếp tục chia sẻ về quá trình mình hiến máu vào kho, chị H. bộc bạch: “Như lần trước, tôi không có người hiến máu, phải ngồi chờ một ngày. Em rể tôi lên hiến, bác sĩ mới truyền cho vì lý do là thiếu máu dự trữ”.
Biết yêu cầu hiến máu vào kho khiến cho người nhà cũng cảm thấy mệt mỏi theo, thế nhưng, chị H. bày tỏ thêm: “Số lượng bệnh nhân vào cấp cứu đông như thế, đôi khi người nhà bệnh nhân chúng tôi cũng đành chấp nhận hiến máu vào kho”.
Quan sát tại nơi tiếp máu của bệnh viện Việt Đức, nhóm PV tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh bày tỏ nỗi băn khoăn trong việc truyền máu vào kho. Nhưng, dù có băn khoăn họ vẫn bắt buộc phải hiến vào để người nhà được điều trị một cách thuận lợi nhất.
Chị Nguyễn Thanh L. (người nhà bệnh nhân) thở dài: “Hiến máu vào kho đây gọi là đổi máu, rắc rối lắm. Nếu người nhà cứ nói không có máu, hoặc không có người nhà thì vẫn phải đợi. Có trường hợp bệnh nhân không có người nhà, người hướng dẫn nói: “Cái này chúng tôi không giải quyết, phải liên hệ người nhà lên không cứ nằm đấy mà đợi…””.
Tiếp câu hỏi của chúng tôi rằng nếu không có máu của người nhà bệnh nhân, người bệnh sẽ phải đợi đến khi nào? Nhưng, những người nhà bệnh nhân đều nhìn vào mắt chúng tôi với cái nhìn ái ngại. Có lẽ, họ cũng chẳng biết phải làm thế nào…
Bệnh viện Việt Đức nói gì?
Trước những thông tin phản ánh từ người nhà bệnh nhân về việc phải hiến máu vào kho. PV báo điện tử Người Đưa Tin đã liên hệ làm việc với lãnh đạo bệnh viện Việt Đức.
Tuy nhiên, sau khi đặt lịch làm việc và gửi lại những câu hỏi còn thắc mắc, đại diện truyền thông của bệnh viện đã liên hệ lại với chúng tôi. Phía bệnh viện nói rằng: “Nội dung này cũng như lần trước (ý nói về loạt bài Ai chống lưng cho cò máu lộng hành? – PV) bên phía chúng tôi đã có văn bản trả lời rồi” và không có bất kỳ ý kiến nào thêm.
Trước đó, hồi tháng 10, nhóm PV báo điện tử Người Đưa Tin đã thâm nhập, điều tra tiếp cận được rất nhiều “cò máu" tại cổng bệnh viện Việt Đức và giật mình phát hiện ra quy trình khép kín trong giao dịch mua-bán công khai này.
Trong quá trình thâm nhập, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của những người thân đang có bệnh nhân chờ mổ tại khu vực hiến máu của bệnh viện. Người thân bệnh nhân thông tin, khi bác sĩ yêu cầu bao nhiêu đơn vị máu, người nhà sẽ phải xuống khu hiến máu của bệnh viện hiến máu, khi đó người bệnh mới được mổ. Yêu cầu này là điều kiện cần khiến cho "cò máu" lộng hành ngang nhiên tại bệnh viện bởi một lẽ đơn giản "có cung ắt có cầu". Nếu như bệnh nhân nào không có nhiều người nhà tại Hà Nội, buộc lòng họ phải tìm đến những "cò máu" để mua máu với giá "trên trời".
Trong công văn số 1828 phúc đáp lại công văn của cục Quản lý Khám chữa bệnh, bộ Y tế về việc “Xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến hiện tượng cò máu” mà lãnh đạo bệnh viện Việt Đức trả lời lại khẳng định tại bệnh viện không có trường hợp bệnh nhân nào không được phẫu thuật nếu không có người nhà hiến máu tình nguyện; Bệnh viện không có chủ trương, quy định nào về việc người nhà bệnh nhân phải cho máu mới được phẫu thuật.
Thế nhưng, cho đến nay, để người bệnh được mổ, người thân vẫn cần phải hiến máu vào kho máu. Trong đó, người thân hiến không cần đúng nhóm máu mà bệnh nhân cần, chỉ cần người nhà cho đủ máu, có giấy xác nhận dưới khu vực hiến máu là được. Thực tế này, so với những lời phúc đáp từ công văn của bệnh viện Việt Đức có mâu thuẫn?
Nhóm PV