Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT: Nhà trường khó "cáng đáng" dạy thêm miễn phí cho học sinh

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 07/02/2025 08:48

Trước mỗi mùa thi nhu cầu ôn tập, học thêm là chính đáng, tuy nhiên với Thông tư 29 các trường phải dừng dạy thêm vì không đủ chi phí giảng dạy.

Chỉ còn khoảng một tuần nữa, Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm sẽ chính thức có hiệu lực. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kể từ ngày 14/2/2025, hoạt động dạy thêm tại nhà trường sẽ không thu phí và chỉ được dạy học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Cùng với đó, mỗi môn không được dạy quá 2 tiết/tuần.

Thông tư 29 quy định việc dạy thêm trong nhà trường không thu phí với mục tiêu, giảm gánh nặng học tập cho học sinh, tăng trách nhiệm cho giáo viên và nhà trường. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phần lớn các cơ sở giáo dục đã chọn dừng hoàn toàn việc dạy thêm, bởi không có đủ kinh phí chi trả cho giáo viên và vận hành lớp học.

Không có nguồn kinh phí tổ chức dạy thêm

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trịnh Hùng Hiệu – Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương cho biết học sinh khối 10, 11 đã dừng học thêm tại trường và sẽ dừng cả 3 khối trước 14/2.

"Chúng tôi cũng có nhận nhiều kiến nghị từ phía phụ huynh mong muốn nhà trường tìm phương án tổ chức dạy học cho các em. Nhưng điều này rất khó, bởi trường không có tiền trả cho giáo viên và các chi phí liên quan khi mở lớp", ông Hiệu chia sẻ.

Vị hiệu trưởng cũng cho rằng, cần có cái nhìn đúng đắn về dạy thêm. Với lượng kiến thức trong sách giáo khoa và thời gian học tập trên lớp, học sinh rất khó có thể thi được vào các trường đại học top đầu, hay những kỳ thi riêng như hiện nay.

Một buổi dạy thêm dài 2 tiết học, tại cơ sở giáo dục này sẽ có phí là 16.000 đồng, mức phí mà ông Hiệu khẳng định rất khó để các em tìm được ở các trung tâm bên ngoài.

Nhà trường khó

Ông Trịnh Hùng Hiệu – Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương.

"Đang trong thời điểm ôn tập cao điểm, nhưng học sinh lại phải mất thời gian tìm kiếm các trung tâm và thầy cô uy tín để theo học. Chí phí chắc chắn sẽ cao hơn nhưng lại không rõ về chất lượng, trong khi nhà trường có đủ cơ sở vật chất, điều kiện thì lại phải đóng cửa", ông Trịnh Hùng Hiệu cho hay.

Nằm ở khu vực vùng núi, ông Lê Ngọc Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Như Xuân, Thanh Hóa cho biết nhà trường đang lên kế hoạch dạy học, ôn tập cho các em sau khi Thông tư 29 có hiệu lực. Nhưng phần kinh phí để duy trì cho hoạt động này vẫn chưa biết "xoay" ở đâu.

"Nếu lấy tiền từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để tổ chức ôn tập, dạy thêm thì cũng chỉ duy trì được thời lượng ngắn. Với địa bàn vùng sâu, vùng xa, thiếu giáo viên, rất khó để chúng tôi sắp xếp dạy học theo đúng quy định của Thông tư 29", ông Lê Ngọc Hải chia sẻ.

Cùng với đó, khu vực này cũng không có các trung tâm, lò luyện thi như ở các thành phố lớn, học sinh không đủ khả năng kinh tế để theo học bên ngoài. Cũng theo ông Hải việc phải chịu trách nhiệm về đảm bảo chất lượng học tập cho các em ngoài nhà trường là rất khó.

Nhà trường khó

Ngóng chờ hướng dẫn thực hiện

Đối với khối THCS, trước cuộc đua cạnh tranh vào trường công lập, nhu cầu đi học thêm là có thực, nhưng nhà trường thì không thể làm trái quy định.

Hiện Trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội vẫn duy trì hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi và bổ trợ một số ít học sinh yếu không thu phí. Đối với nhóm học sinh cuối cấp, trường cũng đã có phương án tăng cường hướng dẫn bài tập ngay trên lớp, soạn tài liệu cho học sinh làm tại nhà và dạy online không thu tiền.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đức Huy – Phó Hiệu trưởng nhà trường thông tin: "Học tập ngoài giờ chính khóa tại nhà trường không chỉ là dạy kiến thức, mà trường học vẫn là một địa điểm uy tín để phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình. Nếu không đi học, bố mẹ sẽ khó quản lý con em, học sinh dễ rơi vào tình trạng xao nhãng học tập".

Chỉ tổ chức ôn thi thu phí cho học sinh có nhu cầu chuẩn bị thi vào lớp 10, tuy nhiên, vị hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội cũng không khỏi lo lắng về quy định tại Thông tư 29.

"Vướng mắc lớn nhất của chúng tôi là quy định về thu và quản lý tiền học thêm. Theo quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Chúng tôi vẫn chờ những hướng dẫn tiếp theo làm rõ về nội dung nguồn kinh phí hợp pháp là nguồn thu xã hội hóa hay là nguồn kinh phí nào", vị hiệu trưởng chia sẻ.

Riêng đối với cơ sở giáo dục này, vẫn sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành chương trình giảng dạy chính khóa và chờ những hướng dẫn tiếp theo.

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT một bộ phận học sinh đang phải đi học thêm chỉ nhằm không lạc lõng với bạn bè, không áy náy với thầy cô hay thậm chí vì bài kiểm tra không bị lạ lẫm. Ông Thành cho rằng, cần khắc phục tình trạng học sinh hằng ngày ken đặc lịch học từ sáng đến khuya, không có thời gian nghỉ ngơi, tự học, thẩm thấu, vận dụng kiến thức.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.