Như tin đã đưa, sau khi được nhóm lãnh đạo UBND tỉnh An Giang "tạo điều kiện" khai thác mỏ cát tại xã Mỹ Hiệp và xã Bình Phước Xuân ở huyện Chợ Mới, Công ty Trung Hậu 68 đã khai thác cát bán cho khách lẻ và bán vị trí khai thác (không theo giấy phép được cấp) cho một số đơn vị, cá nhân khác, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 300 tỷ đồng.
Xem chi tiết: "Trùm cát tặc" chăm sóc đặc biệt với cựu Phó Chủ tịch tỉnh An Giang
Để hợp thức hóa số cát khai thác trái phép bán ra ngoài, Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trung Hậu 68 đã mua Công ty MêKông Tháp Mười của ông Từ Quãng Xuân rồi giao Lê Trọng Hải (Phó Tổng Giám đốc Công ty Trung hậu 68) làm Giám đốc và Trần Anh Tuấn làm Phó Giám đốc.
Bình chỉ đạo sử dụng pháp nhân công ty này để ký hợp đồng, xuất hóa đơn bán cát cho khách hàng có nhu cầu, đồng thời mua hóa đơn đầu vào của Từ Quãng Xuân để hợp thức nguồn cát khai thác.
Theo đó, Công ty MêKông Tháp Mười đã ký hợp đồng bán cát và xuất hóa đơn VAT cho các nhà thầu: Công ty TNHH Xây dựng Tổng hợp Hoàng Tùng (Công ty Hoàng Tùng) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Văn Hiến (Công ty Văn Hiến).
Công ty Hoàng Tùng là thầu phụ của Công ty Cổ phần Xây dựng Central (viết tắt Công ty Central), Công ty Central lại là thầu phụ cho Công ty Trường Sơn thi công dự án cao tốc Bắc – Nam (đoạn Cần Thơ - Hậu Giang). Công ty Hoàng Tùng được giao thi công công trình phụ trợ phục vụ thi công cầu Rừng Tràm, cầu Giải Phóng và đường gom cầu Giải Phóng.
Thông qua ông Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn Nam (thuộc Công ty Trường Sơn) giới thiệu, Đỗ Trọng Hoàng đại diện Công ty Hoàng Tùng và Lê Trọng Hải đại diện Công ty MêKông Tháp Mười đã ký Hợp đồng mua bán 18.000m3 cát, trị giá 4,32 tỷ đồng.
Thực hiện hợp đồng, Lê Trọng Hải chỉ đạo Trần Tuấn Anh lấy cát từ mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68 bán cho Công ty Hoàng Tùng hơn 7.000 m3. Công ty MêKông Tháp xuất hóa đơn VAT với giá trị thanh toán là 1,7 tỷ đồng cho Công ty Hoàng Tùng.
Để hợp thức hóa nguồn cát đầu vào lấy từ mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68, Lê Quang Bình đã chỉ đạo Lê Trọng Hải và Trần Anh Tuấn thống nhất với Từ Quãng Xuân ký Hợp đồng kinh tế khống với Công ty Phước Xuyên về việc cung cấp vật liệu cát đắp nền và mua hóa đơn VAT của Công ty Phước Xuyên tương ứng với khối lượng cát và tiền trên.
Tiếp tục thông qua ông Trần Hải Bắc giới thiệu, ông Nguyễn Hữu Chung (đại diện Công ty Văn Hiến) và Lê Trọng Hải ký Hợp đồng cung cấp cát đắp nền đường phục vụ dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, khối lượng 5.000 m3, trị giá 1,1 tỷ đồng.
Thực hiện hợp đồng, Lê Trọng Hải đã chỉ đạo Nguyễn Minh Thơi - Chỉ huy trưởng công trình lấy cát từ mỏ cát của Công ty Trung Hậu 68 bán cho Công ty Văn Hiến hơn 5.000 m3. Công ty MêKông Tháp Mười đã xuất hóa đơn giá trị hóa đơn trên 1,2 tỷ đồng cho Công ty Văn Hiến.
Tiếp đó, để hợp thức đầu vào số cát trên, Lê Trọng Hải và Phan Thanh Long - Giám đốc đại diện Công ty TNHH Vận tải Xây dựng Thương mại An Phát ký khống Hợp đồng cung cấp vật liệu cát với khối lượng hơn 5.000 m3, trị 1,2 tỷ đồng và mua hóa đơn VAT của Công ty An Phát với khối lượng và thành tiền tương ứng.
Cơ quan điều tra xác định, tổng số hóa đơn xuất cho Công ty Phước Xuyên để phục vụ cho Công ty MêKông Tháp Mười sử dụng đi đường là 114 hóa đơn, tổng tiền ghi trên hóa đơn là hơn 4,5 tỷ đồng, tương ứng 49.000 m3 cát.
Hành vi của Từ Quãng Xuân gây thiệt hại về thuế cho ngân sách Nhà nước 1,8 tỷ đồng (bị can đã nộp khắc phục số tiền 415 triệu đồng).
Ngoài ra còn các đối tượng là "cò hóa đơn" như Tạ Văn Viết được hưởng lợi 76 triệu đồng, Lâm Văn Hậu hưởng lợi 118 triệu đồng và Trần Văn Kiệt hưởng lợi số tiền 55 triệu đồng tiền phí bán hóa đơn.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố 4 bị can trên về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn,chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước", quy định tại khoản 2 Điều 203 Bộ Luật hình sự.