Trong bài phỏng vấn với Người Đưa Tin (NĐT), bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có những chia sẻ về sự phát triển của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong suốt một thập niên qua.
Theo bà Việt Anh, tiềm năng phát triển TMĐT còn rất lớn khi chiếm tỉ trọng 20% trong tổng giá trị kinh tế số, tuy chưa phải là quá chiếm mức tuyệt đối, nhưng sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ.
Quy mô thị trường TMĐT năm 2024 ước đạt 14,7 tỷ USD
NĐT: TMĐT ở Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển ấn tượng trong một thập niên trở lại đây. Bà đánh giá thế nào vai trò của TMĐT cho sự phát triển của kinh tế số của Việt Nam thời gian qua?
Bà Lại Việt Anh: Theo khảo sát của Bộ Công Thương, TMĐT tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, với doanh thu ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, đạt tốc độ tăng trưởng 25% và thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Nam Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT lan tỏa rộng rãi trong người dân, người tiêu dùng. Tiềm năng phát triển TMĐT còn rất rộng lớn, bởi TMĐT đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Trước đó, nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT bán lẻ cả nước mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD) và tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2022, con số này tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.
Từ đó có thể khẳng định, TMĐT Việt Nam đã có quá trình phát triển lâu dài và trong nhiều năm đã tăng trưởng mạnh mẽ và đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
NĐT: Hoạt động TMĐT xuyên biên giới hay xuất nhập khẩu trực tuyến ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mang sản phẩm "made in Việt Nam" bước ra thị trường khu vực và thế giới. Bà đánh giá thế nào về cơ hội này?
Bà Lại Việt Anh: Quy mô thị trường TMĐT Việt Nam ước tính đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 10,09% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).
TMĐT xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của các nền tảng trực tuyến toàn cầu.
TMĐT xuyên biên giới cho phép doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, mà không cần phải mở các chi nhánh vật lý hay đầu tư vào mạng lưới phân phối phức tạp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), vốn có hạn chế về tài chính và khả năng mở rộng thị trường.
Việc tham gia TMĐT xuyên biên giới giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí vận hành so với các hình thức xuất khẩu truyền thống. TMĐT xuyên biên giới thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa quy trình kinh doanh, từ quản lý đơn hàng, kho vận, đến chiến lược marketing.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nhà nước cũng đang tạo điều kiện thuận lợi qua các hiệp định thương mại và hỗ trợ logistics, giúp doanh nghiệp Việt Nam giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn doanh nghiệp về cách thức xuất khẩu qua các nền tảng TMĐT quốc tế, từ quy trình xuất khẩu đến các vấn đề về tiêu chuẩn chất lượng và pháp lý quốc tế. Đề án Phát triển TMĐT quốc gia là một trong những nỗ lực của Nhà nước nhằm phát triển hạ tầng TMĐT, logistics, và hệ sinh thái số, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tốt hơn với thị trường toàn cầu.
Muốn phát triển không thể thiếu yếu tố niềm tin
NĐT: Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dù tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng TMĐT Việt Nam thực chất có sự phát triển không bền vững. Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, bà có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
Bà Lại Việt Anh: Bên cạnh những kết quả tích cực, TMĐT cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics TMĐT còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến...
Để phát triển bền vững trong TMĐT, phải duy trì một tốc độ tăng trưởng TMĐT tích cực, ổn định. Thiếu một trong hai yếu tố tăng trưởng tích cực, hoặc ổn định thì không có sự bền vững trong phát triển TMĐT.
Bên cạnh đó, cần cân bằng và hài hòa lợi ích các bên liên quan từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng TMĐT, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán, người tiêu dùng… Thu hẹp dần khoảng cách, tiến tới cân bằng sự phát triển TMĐT giữa các vùng miền. Ngoài ra, cần phải đảm bảo liên kết vùng trong phát triển TMĐT.
Đặc biệt, phát triển TMĐT bền vững không thể thiếu yếu tố niềm tin. Trước hết là niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái TMĐT.
Các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường để họ có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh. Với người tiêu dùng, họ cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường TMĐT.
NĐT: Trong nỗ lực triển khai những chiến lược và hoạt động thúc đẩy phát triển TMĐT và kinh tế số, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh thu TMĐT đạt 35 tỷ USD, 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% thanh toán không dùng tiền mặt. Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp và sự chuẩn bị như thế nào để hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ TMĐT ở Việt Nam trong giai đoạn mới?
Bà Lại Việt Anh: Chính phủ, các bộ, ngành luôn luôn nỗ lực và hướng tới xây dựng khuôn khổ pháp lý cho thị trường TMĐT phát triển nhanh nhưng lành mạnh và bền vững.
Để phát triển bền vững trong TMĐT, thứ nhất là phải xây dựng các nền tảng TMĐT và đơn giản hóa quy trình đăng ký vốn, giảm các rào cản và đơn giản hóa thủ tục phê duyệt trong TMĐT để thúc đẩy các cá nhân và tổ chức tham gia TMĐT.
Thứ hai, tăng cường các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống logistics thông minh hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, cần chú trọng phát triển TMĐT trong nông nghiệp, nhất là thành lập chuỗi logistics nông nghiệp.
Thứ ba, xây dựng một cách hiệu quả và chặt chẽ các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo mật thông tin và các doanh nghiệp TMĐT phải tuân thủ những quy định và tiêu chuẩn này. Xây dựng hệ thống quản lý bảo mật giao dịch TMĐT để làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của từng bên trong giao dịch TMĐT.
Thứ tư, hoàn thiện và tăng cường các chính sách quản lý TMĐT xuyên biên giới, đặc biệt là thực hiện tích hợp các quy trình TMĐT xuyên biên giới về thông quan, kiểm tra và kiểm dịch, thanh toán, nộp thuế và các quy trình khác, giúp đơn giản đáng kể quy trình thông quan và nâng cao hiệu quả thông quan.
Thứ năm, để tiếp tục tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường không gian mạng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn
NĐT: Nhìn xa hơn trong 5 năm, 10 năm tới, theo bà, TMĐT Việt Nam sẽ có những cơ hội nào để tiếp tục tạo ra những động lực phát triển mới cho kinh tế số?
Bà Lại Việt Anh: Để tạo đột phá cho TMĐT, một trong những vấn đề quan trọng đó là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong TMĐT với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics.
Đây là những việc Bộ Công Thương đã làm trong giai đoạn vừa qua và sẽ tiếp tục làm trong thời gian tới. Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về hàng hoá, logistics.
TMĐT là động lực của kinh tế số. Điều này, cũng không chỉ thể hiện ở 5 năm gần đây mà còn ở sự quan tâm sát sao chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với lĩnh vực này. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định 645 của Thủ tướng Chính phủ là kế hoạch 5 năm lần thứ 4 tính từ năm 2006.
Đây là sự nối tiếp của rất nhiều nỗ lực từ Chính phủ đến các địa phương trong việc đồng bộ hóa các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực để ứng dụng TMĐT. Vì thế, tiềm năng phát triển TMĐT còn rất rộng lớn, bởi TMĐT đã chiếm tỉ trọng trong tổng giá trị kinh tế số khoảng 20%, tuy chưa phải là quá chiếm mức tuyệt đối, nhưng sự lan tỏa thì vô cùng mạnh mẽ.
Hiện có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT lan tỏa trong người dân, người tiêu dùng và có sức hút rất mạnh đối với doanh nghiệp SMEs và các hộ kinh doanh cá thể. Qua đó, giúp các doanh nghiệp SMEs và các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các doanh nghiệp có quy mô lớn trong môi trường điện tử.
Bên cạnh đó, rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi doanh nghiệp muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Do đó, TMĐT sẽ là một trong các lĩnh vực để có thể dựa vào đó để thu hẹp khoảng cách số giữa những trung tâm kinh tế lớn và vùng sâu vùng xa.
NĐT: Cảm ơn bà đã chia sẻ!