Đề xuất thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự án Luật Đường bộ.
Về kết cấu hạ tầng đường bộ, so với Luật Giao thông Đường bộ năm 2008, dự thảo luật có nhiều điểm mới. Theo đó, bổ sung đường thôn xóm vào mạng lưới đường bộ; phân loại đường; phân biệt rõ hệ thống đường giao thông nông thôn, đường đô thị và hệ thống đường địa phương; quy định tỉ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị đối với đô thị xây dựng mới và đối với các đô thị tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đô thị là di sản được UNESCO công nhận.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về yêu cầu, vị trí xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo; yêu cầu, trách nhiệm của các chủ thể khi xây dựng, lắp đặt công trình khác trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; yêu cầu xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.
Bổ sung quy định tổ chức giao thông; phân định rõ tốc độ thiết kế của đường, tốc độ khai thác trên đường bộ; trách nhiệm đầu tư xây dựng công trình đường bộ; các trường hợp kết nối giao thông; bổ sung trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ.
Dự thảo Luật bổ sung quy định về trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh; quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện.
Đáng chú ý, dự thảo Luật, bổ sung quy định thu phí sử dụng đường cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác; thanh toán điện tử giao thông.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về hoạt động vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương; hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô; dịch vụ cho thuê phương tiện; dịch vụ cứu hộ giao thông đường bộ.
Nguy cơ phí chồng phí
Thẩm tra nội dung dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị nghiên cứu, tiếp tục làm rõ về phạm vi điều chỉnh cũng như một số nội dung của dự thảo luật với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho phù hợp, tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất và khả thi.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho hay, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định phí sử dụng đường bộ thu qua phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phí sử dụng đường cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác có thể dẫn tới việc thu trùng các loại phí liên quan đến đường bộ.
Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định điều khoản chuyển tiếp giao Chính phủ thẩm quyền quyết định việc xử lý thu phí chồng phí là chưa bảo đảm minh bạch về chính sách.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, việc thu phí, quản lý, sử dụng phí phải đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đồng thời vừa tạo nguồn lực để phát triển, duy trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, vừa khuyến khích phát triển, thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ và góp phần điều tiết kinh tế vĩ mô.
Do đó, đề nghị xem xét, đánh giá kỹ sự cần thiết, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thu phí cao tốc do nhà nước đầu tư để "san sẻ" với các dự án BOT
Trước đó vào ngày 7/11, trong phiên chất vấn tại Quốc hội, liên quan đến vấn đề thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết tình trạng khi các dự án cao tốc triển khai hoàn thành, thì có một số dự án BOT dọc quốc lộ 1A bị ảnh hưởng,
“Khi khánh thành các tuyến đường cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn - Diễn Châu, Phan Thiết - Dầu Giây - Vĩnh Hảo thì 2 dự án BOT đã bị ảnh hướng lớn. Như tại Đồng Nai, một dự án BOT sụt giảm đến 77,6% doanh thu, còn dự án tại Phan Thiết giảm tới 86% doanh thu”, ông Thắng thông tin.
Theo ông Thắng, có đường cao tốc mới đi nhanh, thuận tiện, không mất phí thì đương nhiên các phương tiện đổ dồn ra. Bộ GTVT đã nhận diện và đang trình Chính phủ và sắp tới trình Quốc hội về ban hành chính sách thu phí trên cao tốc nhà nước đầu tư để đảm bảo lưu lượng hài hoà giữa các tuyến đường, cũng như đảm bảo hiệu quả cho các tuyến BOT.
Ông Thắng nhấn mạnh dự kiến trong thời gian tới có 14 dự án BOT bị ảnh hưởng và phân lưu. Bộ GTVT sẽ theo dõi sát khi các tuyến cao tốc đi vào vận hành sẽ đánh giá mức độ sụt giảm doanh thu, hợp đồng BOT ký kết và các quy định pháp luật để Bộ GTVT có kiến nghị Chính phủ và Quốc hội.