Thu phí nội đô nhìn từ Anh, Mỹ: Hiệu quả hay thất bại?

Thu phí nội đô nhìn từ Anh, Mỹ: Hiệu quả hay thất bại?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 10/09/2018 18:39

Thu phí nội đô hay thu phí chống ùn tắc được triển khai rất hiệu quả ở London từ năm 2003. Nhưng ở Mỹ, đề xuất này đã bị bác bỏ ngay từ khi được giới thiệu.

Tiêu điểm - Thu phí nội đô nhìn từ Anh, Mỹ: Hiệu quả hay thất bại?
Thu phí chống ùn tắc là giải pháp được đánh giá khả thi trên nhiều quốc gia.

Thu phí nội đô, hay thu phí chống ùn tắc là một giải pháp đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng và mang lại những kết quả khả quan. Về cơ bản, giải pháp này sẽ thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới lưu hành.

Đã 15 năm kể từ khi phí chống ùn tắc của London được giới thiệu bởi thị trưởng đầu tiên của thành phố - Ken Livingstone - các nhà chức trách đã thừa nhận tính hiệu quả của nó đối với Thủ đô của nước Anh.

Thị trưởng Livingstone hy vọng việc thu phí sẽ làm giảm tắc nghẽn, cải thiện thói quen sử dụng xe buýt, điều chỉnh thời gian hành trình phù hợp hơn với người lái xe và tăng hiệu quả cho những người phân phối hàng hóa và dịch vụ trên toàn thành phố.

Vào năm 2006, cơ quan giao thông London cho biết lưu lượng giao thông thành phố đã giảm xuống 15% và tắc nghẽn giảm 30%. Hiệu ứng này vẫn cho thấy sự hiệu quả đến tận ngày nay. Lưu lượng giao thông trong khu vực thu phí hiện chỉ bằng 1/4 so với một thập kỷ trước, mở ra không gian cho người đi xe đạp và người đi bộ ở khu trung tâm.

Phạm vi thu phí chỉ bao gồm diện tích 21km vuông ở London với quy định thu phí đơn giản. Theo đó chủ phương tiện đi vào khu vực trên trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 18h chiều các ngày trong tuần sẽ phải trả một số tiền nhất định.

Khoản phí này là 5 bảng vào năm 2003 và hiện tại tăng lên 11,5 bảng. Cư dân trong thành phố được giảm 90% và người khuyết tật được miễn phí hoàn toàn. Các dịch vụ vận tải khẩn cấp, xe máy, taxi được miễn hoàn toàn.

Theo tờ The Conversation, phí chống ùn tắc của London thành công vì hai lý do chính: Thứ nhất, chương trình này có một tiền đề rõ ràng và thuyết phục, mà quan trọng nhất trong đó là nỗ lực sắp xếp và quản lý các phương tiện lưu thông một cách hợp lý hơn trong thành phố.

Thứ hai, chương trình thu phí này mang đến hai lợi ích chính: Làm giảm lưu lượng giao thông trong trung tâm thành phố và tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư vào việc cải thiện các dịch vụ vận tải công cộng.

Vào ngày phí chống ùn tắc được giới thiệu tại London, đã có thêm 300 xe buýt mới được triển khai như một giải pháp thay thế cho người lái xe không muốn mất phí cũng như ngăn chặn tình trạng lộn xộn có thể xảy ra.

Một năm sau, các nhà chức trách ghi nhận số lượng hành khách đi vào trung tâm thu phí của thành phố tăng đột biến lên tới 29.000 người trong giờ cao điểm buổi sáng. Từ năm 2002 đến năm 2014 , số lượng xe ô tô đi vào khu vực này cũng giảm 39%.

Tiêu điểm - Thu phí nội đô nhìn từ Anh, Mỹ: Hiệu quả hay thất bại? (Hình 2).
London là một trong những thành phố thu phí chống ùn tắc hiệu quả nhất.

Trước cả khi London áp dụng thu phí chống ùn tắc nói trên, Singapore chính là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thu phí từ năm 1975. Chương trình này ban đầu yêu cầu chủ phương tiện phải trình giấy phép ra vào tại các trạm kiểm soát của cảnh sát để đi vào khu vực hạn chế.

Năm 1995, đảo quốc này đã chuyển đổi sang hình thức kiểm soát điện tử bằng thẻ thông minh tích hợp trên phương tiện. Chính phủ Singapore từ lâu đã nhấn mạnh rằng mục đích thu phí là để quản lý giao thông, với mức phí đi vào khu vực hạn chế chỉ từ 1-2 đô la Singapore (khoảng trên dưới 1 USD).

Cho đến nay, giải pháp quản lý giao thông điện tử của quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là hiệu quả và trở thành mô hình được nhiều quốc gia học hỏi.

Theo The Guardian, thử nghiệm thu phí chống ùn tắc ở Thủ đô Stockholm của Thụy Điển vào năm 2006 đã mang đến những kết quả ấn tượng. Trong đó, các nhà chức trách ghi nhận đã giảm được lượng xe vào thành phố ở mức 20-30% . Đến năm 2007, sau cuộc khảo sát ý kiến dư luận, kế hoạch thu phí này đã chính thức được áp dụng vô thời hạn. Lái xe sẽ chỉ phải trả mức phí nhẹ nhàng từ 10-20 krona (1-2 USD) tùy thuộc vào từng thời điểm trong ngày, trừ buổi tối và cuối tuần.

Tại Mỹ, Thị trưởng New York, Michael Bloomberg từng rất muốn thực hiện kế hoạch thu phí chống tắc nghẽn giống cách làm ở London. Năm 2007, đề xuất của ông về thu phí phương tiện ở Đường 86 khu Manhattan đã thu hút được sự ủng hộ đáng ngạc nhiên từ công chúng.

Hội đồng thành phố đã bỏ phiếu ủng hộ, nhưng kế hoạch đã bị chặn lại ở cấp trên cao và không còn được nhắc tới sau này. Mặc dù thu phí cầu đường phổ biến rộng rãi ở trên cả nước, nhưng không có phí chống ùn tắc nào được thu ở các thành phố nước Mỹ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.