Nếu người miền Trung tự hào về gà ri vừa dai vừa thơm, thì dân Tây Bắc chắc chắn chẳng chịu thua kém với món gà mọ trứ danh.
Gà mọ hay cáy mọ là đặc sản của người Thái ở Sơn La, được chế biến cầu kỳ, có hương vị khác lạ đặc biệt hơn nhờ sự kết hợp của nhiều nguyên liệu đặc biệt nơi đây. Người Thái gọi gà mọ là “cáy trục cáy móc” là vị rất đặc biệt, thời xưa chỉ vua quan mới được ăn. Ngày nay, món ăn đặc sản này thường được người Thái nấu vào dịp lễ, tết, cưới hỏi, dùng thiết đãi khách quý.
Theo người dân địa phương, cái tên gà mọ hàm ý chỉ sự phức tạp, tỉ mỉ trong khâu chế biến món ăn này.
Đầu tiên là khâu chọn gà, phải là những con gà to vừa phải, không quá già hoặc quá nhỏ, thường từ 1,5 kg đến 2 kg. Người ta chọn gà ri chạy bộ bởi loại gà này sẽ cho thịt chắc và ngọt hơn những con gà công nghiệp
Gà sau khi bắt về sẽ được làm sạch, chặt ra từng miếng nhỏ rồi ướp với các loại gia vị như gừng, sả, ớt, thì là, hành khô, mùi tàu, rau rừng,... Điều đặc biệt, gà mọ còn được nêm nếm gia vị là lá cây mắc khén - thứ gia vị chỉ vùng Tây Bắc mới có và là bí truyền của vùng này. Khi đã ngấm đều các gia vị, gà được mang đi rang vừa chín rồi bắc xuống bếp trộn đều với các loại rau và các loại gia vị, các loại rau rừng như hoa chuối, hoa ban.
Hoa chuối rừng cắt lát mỏng, ngâm cùng nước muối để giảm độ chát, sau đó được cho vào cối giã hơi nát để cho hoa chuối được mềm. Hoa ban không phải lúc nào cũng có, nhưng nó mang đến một hương vị đậm đà, khác lạ cho món gà mọ. Tốt nhất nên thưởng thức gà mọ vào mùa hoa ban nở.
Đặc biệt một nguyên liệu khác không thể thiếu trong món gà mọ đó là bột gạo. Loại gạo nếp được chọn phải là loại nếp nương có mùi hương đặc trưng, chính gạo nếp thơm dẻo này mới tạo nên sự hấp dẫn cho món gà mọ. Tuy nhiên cũng có người dùng bột gạo tẻ vì loại gạo sẽ cho độ sệt vừa phải, không bị ngấy như bột gạo nếp.
Sau khi đã trộn đều các gia vị gà được gói vào lá dong và làm thành những gói nhỏ trước khi cho lên vật dụng để đồ món ăn của người Thái thì dùng lá dong gói gà lại để chuẩn bị đồ. Chõ đồ gà là chõ đặc biệt được làm bằng gỗ. Dùng loại chõ này hấp gói gà trong 1 tiếng cho chín nhừ rồi mang ra ngoài thưởng thức.
Ngoài ra, cũng nhiều người không rang gà mà gói luôn vào lá dong và đem hấp. Với cách làm này, gà được làm chín bằng hơi nước nên mùi vị, hương vị của gia vị, của gà được cô đặc, giữ nguyên.
Gà mọ có thể làm món ăn nhâm nhi hoặc ăn cùng xôi nếp nương. Dùng tay gỡ tàu lá dong còn nóng hổi, điều đầu tiên ta cảm nhận được là mùi thơm sực nức của thịt và các loại gia vị. Khi chín, miếng thịt gà trắng, mềm nằm xen lẫn với hoa chuối cùng các loại rau thơm, điểm xuyết cùng những lát ớt đo đỏ trông khá ấn tượng. Đặc biệt, những hạt gạo giã nát khi chín đã tạo cho món ăn có độ kết dính và mùi thơm ngầy ngậy.
Dù rằng món ăn trông có vẻ bầy nhầy, dính dớp khó coi nhưng chắc chắn mùi thơm từ thịt gà cũng như vị ngon đậm đà sẽ “đánh gục” du khách sau khi ăn thử.
Gà mọ là món ăn có từ lâu đời của người Thái. Vào các dịp lễ quan trọng, các chủ nhà hiếu khách thường tự tay chuẩn bị nguyên liệu và chế biến món này để thể hiện tấm lòng của mình với họ hàng, khách khứa. Khi ăn, bao giờ chủ nhà cũng chia buồng trứng cho khách và mọi người để tỏ lòng kính trọng và cầu mong cho sự sinh sôi, phát triển, viên mãn.
Bá Di (Tổng hợp)