Rắn mối là một loài bò sát, hình dáng khá giống con thạch sùng nhưng lại to lớn hơn và toàn thân phủ những lớp vảy bóng loáng. Tên gọi của rắn mối xuất phát từ việc chúng rất thích ăn mối trú trong những đám lá khô hay gốc cây mục. Một phần loài động vật này trông như những con rắn có chân. Đây là lí do vì sao người miền Tây gọi chúng là “rắn 4 chân”.
Loài này vô cùng phổ biến ở nước ta.Chúng thường bò trên nền đất, ngoài vườn tạp, thậm chí, nhiều khi xuất hiện cả trên vách lá trong nhà. Rắn mối có mũi và lưỡi rất nhạy bén để săn mồi, chúng chạy rất nhanh và có thể “hi sinh” cái đuôi để thoát thân khi gặp nguy hiểm.
Rắn mối xuất hiện nhiều nhất vào những hôm trời nắng. Những người đi câu rắn mối có kinh
nghiệm thường bảo với nhau rằng, khi đi câu nhất định không được nói chuyện có chữ “rắn mối” mà phải thay bằng “con bốn chân”, nếu không sẽ chẳng con nào cắn câu.
Câu rắn mối không khó, kể cả trẻ con nơi đây cũng bắt được. Chỉ cần lấy ít cơm nguội trộn cám, lột vài ba con tép trấu móc vào lưỡi câu lưỡi câu, nhẹ nhàng thả vào trong các bụi cây có rắn mối sinh sống thì thế nào cũng có vài con dính mồi. Khi miệng rắn mối vừa dính lưỡi câu thì giật lên một cái là xong, chừng hơn tiếng đồng hồ buổi ban trưa thì vài ba người đi câu có thể câu được vài chục con rắn mối để làm thịt.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Trẻ con đêm ngủ thở khò khè, cho ăn thịt rắn mối sẽ khỏi, phụ nữ ăn thịt rắn mối giúp da mặt thêm mịn màng…
Cách làm rắn mối cũng đơn giản: Bắc ấm nước sôi, rắn mối bắt đập chết, sau đó bỏ vào thau chế nước sôi vào, ngâm khoảng 1- 2 phút lấy ra cạo vảy, mổ bỏ hết phần ruột, giữ lại lá gan và lớp mỡ úp quanh thành bụng.
Đặc biệt, dân nhậu sành sỏi đất miệt vườn nói rằng bằng mọi giá phải giữ lại chiếc đuôi, vì đuôi là món bổ nhất, nhưng rất dễ bị đứt khi bắt hoặc làm thịt rắn mối.
Trong quá trình làm thịt, nên hạn chế rửa rắn mối bằng nước lạnh vì dễ bị lên mùi tanh, tốt nhất nên rửa sạch bằng rượu trắng. Sau khi sơ chế, nhìn rổ thịt rắn mối trắng thì chưa thấy hấp dẫn, nhưng khi chế biến thành món ăn thì quả thật ít ai cưỡng nổi.
Thịt rắn mối có thể làm được rất nhiều món ngon miệng như nướng than, chiên giòn, xào sả ớt, cháo rắn mối… Món nào cũng dễ chế biến mà hương vị lại đậm đà, đặc trưng.
Sau khi làm sạch, món ăn nhanh nhất và dễ chế biến nhất là rắn mối chiên giòn. Chỉ cần chặt rắn mối ra làm hai, ướp gia vị vừa ăn (gốc hành lá, tỏi băm nhỏ, tiêu xay, bột nêm, không được ướp đường vì chiên sẽ bị khét), thêm chút nước mắm ngon, rồi bắc chảo mỡ lên bếp, chiên đến vàng là được.
Khi ăn, thực khách sẽ được hướng dẫn dùng kèm với vài cọng rau thơm hay dưa chuột. Món này ăn cùng cơm hay làm món nhậu thì đều thích hợp.
Nếu không có nhiều thời gian đợi chế biến, thực khách có thể thưởng thức món rắn mối nướng mọi. Rắn mối không cần làm da, mổ bụng, chỉ cần đập chết rồi bỏ vào bếp lửa than còn đỏ rực, chờ một chút cho vảy cháy sém mỡ vàng ươm. Khi đã chín, đầu bếp lấy cây khều từng con ra, cạo sạch lớp vảy cháy, bẻ từng khúc, chấm muối ăn nóng. Thịt rắn ngọt lịm, vừa thơm vừa ngon, gây ấn tượng ngay từ lần ăn đầu tiên.
Nếu kỳ công hơn, ta có thể băm nhuyễn rắn mối với một chút mỡ lợn, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi cuốn lá lốt nướng trên than hồng, thơm nức mũi. Vị ngọt, béo của thịt rắn mối nướng quyện với mùi thơm đặc trưng của lá lốt khiến ai ăn cũng phải tấm tắc khen ngon.
Hay một món khác cũng đặc sắc không kém đó là rắn mối nấu cháo. Người nấu luộc thịt rắn mối rồi xào sơ qua với hành tỏi, tiêu, nước mắm cho thấm. Sau đó dùng nước luộc rắn mối nấu cháo đến khi nhừ thì bỏ thịt rắn vào và nêm gia vị cho vừa ăn. Vị ngọt tự nhiên của rắn mối quyện với cháo gạo rang thơm sẽ in sâu trong tâm trí của thực khách.
Trước đây không mấy người biết ăn rắn mối. Nhưng mấy năm gần đây rắn mối trở thành đặc sản, dân nhậu săn lùng ráo riết. Món ăn dần trở nên phổ biến ở các quán ăn nơi thành phố. Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là ở quê miệt vườn. Chẳng cần phải tìm đến những nhà hàng cao sang, tự mình mang cần đi câu rắn mối, mang về cho người dân chế biến và thưởng thức món ăn dân dã của miền Tây.
Bá Di (Tổng hợp)