Vừa qua, tại Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi, bộ Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất mới liên quan hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, bộ Tài chính cho biết, có thể nghiên cứu bổ sung quy định thu thuế đối với hàng hóa giữa các cá nhân bán hàng qua mạng như phương thức thu thuế đối với hàng hóa chuyển phát nhanh qua biên giới.
Hiện cơ quan này đưa ra mức đề xuất một sản phẩm hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng/lần trở lên sẽ thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % và không thu thuế đối với sản phẩm hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng/lần.
“Trường hợp một sản phẩm hàng hóa dưới 1 triệu đồng mà tần suất giao dịch từ 2 lần/ngày thì thực hiện thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân theo quy định", dự thảo nêu.
Mặc dù cho rằng việc thu thuế theo đề xuất nêu trên của bộ Tài chính là cần thiết để đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh nhưng nhiều người cũng bày tỏ e ngại việc thực hiện sẽ gặp khó khăn vì cơ chế quản lý loại hình kinh doanh này chưa hoàn thiện.
Anh Mạnh Tân (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá, nếu dự thảo được thông qua, không rõ cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đâu để biết người kinh doanh qua mạng bán được bao nhiêu hàng, lợi nhuận ra sao. Bởi thực tế việc bán hàng qua mạng nhiều người không xuất hóa đơn thì rất khó nắm được cụ thể.
Việc bán hàng nhưng không nộp thuế là sự bất công cho những thành phần kinh doanh khác. Nhiều khi trên mạng bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng với cơ chế pháp lý còn yếu nên cần hoàn thiện hơn và phải “mạnh tay” đối với những đối tượng này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của chị Hồng Mai - hiện là nhân viên maketing cho một doanh nghiệp tại Q.Đống Đa, nếu thực thi chắc chắn nhiều người kinh doanh qua mạng sẽ không hài lòng nhưng cần nhìn thẳng vào thực tế dù là kinh doanh bình thường hay kinh doanh qua mạng đều phải đóng thuế.
"Nếu kinh doanh mà không đóng thuế đương nhiên sản phẩm bán ra cho khách hàng sẽ rẻ hơn, như vậy là cạnh tranh không lành mạnh", chị Mai nói.
Chị Mai cũng cho rằng, việc theo dõi những cá nhân bán hàng qua facebook, zalo hay một số mạng xã hội khác chỉ là một trong những công cụ để cơ quan chức năng tìm thấy những người kinh doanh nhưng không chịu khai báo và đóng thuế.
Theo ý kiến của chuyên gia kinh tế, mặc dù nộp thuế là nghĩa vụ nhưng vẫn còn rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp có tâm lý muốn “né” thuế, trốn thuế vì đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến “đồng tiền bát gạo”.
Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Việc đánh thuế bao gồm thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp là điều bình thường. Chính vì lẽ đó, việc đánh thuế với hàng hóa kinh doanh trên mạng là việc đương nhiên vì về nguyên tắc, tất cả mọi người kinh doanh đều phải đóng thuế, mọi khoản kinh doanh đều có thuế giá trị gia tăng”.
Ông Thịnh cũng cho hay, hầu hết những người bán hàng qua mạng đều kê khai khá thấp nhằm không phải đóng thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu có thể cơ quan thuế sẽ dựa vào những kê khai của người kinh doanh qua mạng nhưng sau này sẽ có những biện pháp cần thiết để kiểm tra, giám sát việc buôn bán. Bên cạnh đó, phải có cơ chế xử phạt một cách nghiêm minh và đủ răn đe các cá nhân và doanh nghiệp trong việc kê khai không chính xác, từ đó các cá nhân, doanh nghiệp này mới kê khai trung thực.
Trước đó, cơ quan thuế hai địa phương là TP.HCM và Hà Nội đã tiến hành tuyên truyền, vận động thông qua việc gửi tin nhắn hoặc gửi thư đến từng cá nhân kinh doanh qua mạng đến cơ quan thuế để đăng ký và kê khai thuế.