Sống ở Nhật cũng đã chừng 30 năm, lâu hơn cả thời gian sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Hơn nữa, lại làm dâu vào một gia đình Nhật, nên giờ đây, mỗi lần năm hết, Tết tây đến, mình cũng rất háo hức rộn ràng cho việc chuẩn bịcái Tết tây ở Nhật, cũng như hồi còn ở bên nhà.
Nếu như ở Việt Nam, khi bước sang tháng 12 âm lịch, tất cả mọi người đều nhất loạt gọi tháng 12 là “tháng Chạp” thì ở Nhật cũng vậy. Bước sang tháng 12 dương lịch, người người đều nói “Sang tháng Shiwasu rồi đấy.” Shiwasu có nghĩa là “Sư tẩu”, ý nói “Bận rộn tới mức mà các nhà sư, những người vốn rũ khỏi bụi trần, lúc nào cũng từ tốn lặng lẽ…,nay cũng phải “vắt chân lên cổ mà chạy”!
Không biết trong nhà chùa, sư chạy việc gì, nhưng ở các gia đình người Nhật nói chung có nhiều việc phải “chạy” lắm. Có lẽ việc “chạy” đầu tiên là chuẩn bị mua và viết thiệp chúc mừng năm mới để gửi tới mọi người thân trong gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Có lẽ do quy mô sống rộng lớn, gia đình họ hàng và bạn bè đều sống xa nhau, nên ngày Tết người Nhật không tới nhà họ hàng, bạn bè để chúc Tết. Thay vào đó, họ viết thiệp chúc mừng năm mới gửi tới mọi nhà.
Tính trung bình, mỗi gia đình hằng năm gửi đi trên 100 tấm thiệp năm mới. Giữa tháng 11, bưu điện Nhật Bản đã bắt đầu bán các loại thiếp mừng năm mới, có in sẵn giá tem, và có một hàng chữ số để quay số mở thưởng sau Tết.
Để thiệp mừng năm mới có thể đến tay người nhận vào ngày 1/1, hoặc tối thiểu là đến ngày 3/1 phải đến nơi, bưu điện khuyến khích người dân hạn chót để bỏ thiệp vào thùng thư là đến trước ngày 25/12, để có thể kịp xử lý một lượng thiệp khổng lồ trong một thời gian ngắn và số nhân viên có hạn. Thế nên vào thời điểm này, thường có nhiều sinh viên do đang kỳ nghỉ Đông, hay đăng ký làm“bán thời gian” cho bưu điện, với công việc là đi phát thiệp năm mới.
“Chạy” xong phần thiệp mừng năm mới, thì việc “chạy” tiếp theo là tổng vệ sinh nhà cửa. Đây là dịp để vứt bỏ bớt những đồ dùng không sử dụng tồn đọng cả một năm qua, rồi lau cửa kính, rồi cửa lưới, rồi cửa chắn mưa… Nhưng công việc mà các bà nội trợ phải mất nhiều sức nhất là hò hét con cái và các đấng ông chồng cùng xúm vào giúp tổng vệ sinh.
Tiếng vợ cằn nhằn, thúc giục đức lang quân, tiếng bọn trẻ trêu chọc, tỵ nạnh nhau khiến cho không khí những ngày cuối năm trong gia đình thêm rộn ràng.
Nhà cửa dọn dẹp lau chùi rồi, người ta sẽ treo lên trước cửa một cái shimekazari được bện từ rơm, trang trí thêm một vài thứ như rong biển khô, bông lúa, và một trái quýt nhỏ để chào đón thần năm mới. Nhiều người rửa xe ô-tô cuối năm cho sạch sẽ để đón năm mới, cũng đính một chiếc shimekazari nhỏ lên phía đầu xe, trông thật dễ thương.
Rồi cũng đến cái “chạy” cuối cùng là đi mua bánh dày, món ăn chính của người Nhật trong dịp Tết vàmua sắm món Osechi, món ăn ngày Tết. Món ăn Osechi bao gồm nhiều món chế biến từ cá, thịt, và các loại rau củ, đậu… màu sắc rực rỡ, được bày ngăn nắp trong một chiếc hộp sơn mài 3 tầng.
Trông thì đẹp mắt nhưng đa phần gia vị đều nêm nếm có đường (do trước đây khi còn nghèo, đường là một loại gia vị đắt đỏ, chỉ được sử dụng vào dịp Tết. Hơn nữa món ăn có đường sẽ giữ được lâu) nên nếu là người mới tới Nhật, sẽ thấy đặc biệt khó quen với hương vị này.
Ngày nay, tuy nhiều người vẫn ăn món Osechi nhưng ít người tự mình nấu tại nhà mà đa phần đặt trước từ các cửa hàng siêu thị, các cửa hàng bách hóa tổng hợp hoặc các cửa hàng tiện ích. Các món Osechi cũng đa dạng hơn. Không chỉ thuần món Nhật mà có cả món kiểu Trung Hoa, món Tây Âu và cả món Hàn Quốc nữa và giá cả cũng dao động. Từ 10 nghìn yên (độ 100 đôla Mỹ) đến hàng chục nghìn yên. Thậm chí có những cỗ Osechi giá lên tới 100 nghìn yên, tương đương với 1 nghìn đôla Mỹ.
Trong món Osechi, có một món mà mình đặc biệt thích tự nấu và thích ăn. Đó là món rau củ quả ninh. Chiều 31 tết, ngửi thấy mùi thơm ngai ngái của ngưu bàng và các loại rau củ khác như củ sen, cà rốt, nấm hương, khoai sọ đang ninh, quyện mùi nước dùng lấy từ cá ngừ khô bào mỏng, thấy lòng rạo rực háo hức, chẳng khác gì ngày bé ngửi thấy mùi bánh chưng luộc hay hương của nước hạt mùi mà mẹ đun cho cả nhà tắm tất niên.
Mọi việc xong xuôi là đến bữa cơm tất niên. Cơm tất niên của người Nhật thật đơn giản, thường chỉ có món mỳ Soba làm từ bột kiều mạch ăn với món tempura, món ăn làm từ tôm cá hoặc các loại rau tẩm bột rán. Người ta nói rằng ăn mỳ soba như vậy là vì những sợi mỳ soba dài tượng trưng cho sự trường thọ.Đêm tất niên, thanh niên có thể đi chơi, tới những quán rượu hay những địa điểm có tổ chức “đếm ngược” đón năm mới, còn đa phần người Nhật ngồi ở nhà, vừa đút chân vào chiếc bàn thấp có lò sưởi, nhâm nhi đồ uống, đồ nhậu… vừa xem chương trình âm nhạc Kou-Haku (Hồng-Bạch) do đài Phát thanh và Truyền hình NHK tổ chức và phát đi trực tiếp. Chương trình được tổ chức dưới hình thức thi giữa đội các nghệ sỹ nam và nữ. Chương trình âm nhạc cuối năm này của đài NHK nổi tiếng và có uy tín tới mức nhiều nghệ sỹ được mời tham gia luôn coi đó là một cột mốc lớn trong cuộc đời biểu diễn của mình. Chương trình ca nhạc “Kou-Haku”kết thúc, cũng là lúc các nhà chùa trên cả nước bắt đầu gióng những tiếng chuông đầu tiên trong loạt 108 tiếng chuông trừ tịch để xua đi 108 điều phiền não ở con người. Bắt đầu từ lúc giao thừa cho đến hết mấy ngày Tết, người người đi viếng cả chùa và đền thần đạo để cầu mong cho năm mới bình an mạnh khỏe.
Nhật Bản đã không sử dụng âm lịch từ ngày 3/12/1872, và hầu như mọi tiết trong năm đều được thực hiện theo dương lịch, nhưng khi có những sự kiện lớn như cưới xin, làm nhà, ma chay… mình hay nghe thấy người ta nói đến những “Ngày đại an” hay “Ngày phật diệt”… Không hiểu người ta còn áp dụng âm lịch vào lĩnh vực nào nữa không, nhưng cứ đến tháng “Sư tẩu” là lòng ta lại háo hức, rộn ràng chuẩn bị cho cái Tết của Nhật.
Đang ngồi viết những dòng này thì mấy em cũng lấy chồng người Nhật í ới nhắn tin: “Chị ơi, sắp Tết rồi, tổ chức gói bánh chưng ăn Tết để còn tụ tập đi chị!”.
Ừ, sắp Tết ta đến nơi rồi. Ở nhà, chắc cũng đang bắt đầu “chạy” rồi nhỉ. Mình cũng dừng ở đây để “chạy” tiếp cho cái Tết ta nào…
Phạm Lan Anh