Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông.
Dứt khoát phải bảo đảm chất lượng
Thủ tướng đã thăm hỏi, tặng quà cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường xây dựng nút giao IC5 Km 47+800 thuộc xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang; thăm hỏi, động viên người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Sau đó, Thủ tướng có cuộc làm việc nhanh với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại phiên họp Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành, cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức phát động và thực hiện tốt đợt thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc".
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km (trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gần 38 km; Hậu Giang - Cà Mau hơn 73 km), đi qua 5 tỉnh, thành phố gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tổng mức đầu tư dự án là 27.523 tỷ đồng (Cần Thơ - Hậu Giang hơn 10.370 tỷ đồng; Hậu Giang - Cà Mau hơn 17.152 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ GTVT. Dự án khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến cơ bản hoàn thành vào tháng 12/2025.
Các địa phương đã bàn giao mặt bằng 110,68 km/110,85 km (đạt 99,84%), về hạ tầng kỹ thuật còn 6/7 vị trí đường dây cao thế chưa di dời.
Về thi công, luỹ kế sản lượng đến nay là 6.432/18.842 tỷ đồng, đạt 34,16% hợp đồng. Trong đó, tổng khối lượng cát đắp tuyến chính (phần đường) đạt 5,4 triệu m3/14,5 triệu m3 (đạt 37,2%).
Phần cầu đã triển khai thi công được 108/117 cầu, giá trị sản lượng phần cầu đạt 70%. Riêng năm 2024, đã giải ngân 2.416/4.997 tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch vốn năm 2024.
Theo báo cáo và các ý kiến tại cuộc họp, tiến độ hoàn thành dự án phụ thuộc rất lớn vào tiến độ huy động cát về công trường (khối lượng và công suất).
Để hoàn thành dự án trong năm 2025 thì từ nay đến cuối năm 2024 phải hoàn thành công tác đắp cát gia tải, nhu cầu cát cần đến cuối năm 2024 là khoảng 9,56 triệu m3 (cát sông 5,56 triệu m3, cát biển 4 triệu m3).
Sau khi rà soát công suất các mỏ cát sông địa phương đã cấp, thì đến tháng 12/2024 có thể cấp được 4 triệu m3 cát sông, còn thiếu 1,56 triệu m3 cát sông.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đang chỉ đạo các nhà thầu trên tuyến quyết tâm, huy động mọi nguồn lực, bổ sung thiết bị để mang cát về công trường, đáp ứng mục tiêu hoàn thành toàn bộ công tác gia tải trong năm 2024, song song đó các nhà thầu đang huy động nguồn cấp phối đá dăm về dự trữ để phục vụ thi công kết cấu mặt đường.
Kế hoạch tiếp theo, sẽ hoàn thành các cầu trong năm 2024; hoàn thành phần tuyến chính trong tháng 11/2025, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông trong tháng 12/2025.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, việc triển khai các dự án cao tốc tại miền Bắc và miền Trung có nhiều thuận lợi khi nền đất không yếu và thuận lợi về nguyên vật liệu. Còn khi triển khai các dự án cao tốc tại ĐBSCL thì ngay từ đầu đã xác định sẽ khó khăn hơn nhiều do nền đất yếu và vấn đề nguyên vật liệu.
Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục các khó khăn, thúc đẩy tiến độ các dự án, đồng thời yêu cầu dứt khoát là phải bảo đảm chất lượng.
Đơn cử như dự án Diễn Châu - Bãi Vọt đã thông xe cuối tháng 4, nhưng có 19 km trên nền đất yếu nhiều, cần thời gian chờ lún phải đến 30/6 vừa qua mới thông xe.
Hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 7/2024
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những kết quả đã đạt được trong triển khai dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thời gian qua là rất đáng trân trọng.
Thủ tướng nhắc lại, cách đây 3 năm, chúng ta mới bắt đầu khảo sát hướng tuyến, tìm nguồn vốn cho dự án này trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Khi đó, Thủ tướng đã chỉ đạo phải triển khai dự án mới tránh bám theo các tuyến đường mới, mà phải theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, qua sông bắc cầu, qua núi khoét núi, qua đồng đổ đất đổ cát, tạo không gian phát triển mới.
Những kết quả đạt được là nhờ nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương liên quan, các nhà thầu, tư vấn và nhân dân các vùng có dự án đi qua, cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, người dân đã nhường mặt bằng và người lao động tham gia dự án.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và "không bàn lùi, chỉ bàn làm" với cách làm, phương pháp khoa học, lộ trình, bước đi phù hợp, dứt khoát phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 31/12/2025.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng còn lại trong tháng 7/2024.
Vấn đề nguyên vật liệu đến nay cơ bản đã được tháo gỡ, có "đầu ra", song phải tiếp tục điều phối, khai thác cho phù hợp, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.
Về thi công, Thủ tướng yêu cầu huy động nhân lực, trang thiết bị để làm với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm".
Các cơ quan tăng cường kiểm tra, các nhà thầu tư vấn giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đối với người dân trong vùng dự án, cấp uỷ, chính quyền địa phương phải quan tâm, bảo đảm người dân đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm sinh kế cho nhân dân, từ đó mới tạo hiệu quả tổng hợp của đường cao tốc.