Sau khi lắng nghe Báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), một số ý kiến của địa phương và các cơ quan trung ương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phần phát biểu chỉ đạo.
Trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận: "Giáo dục, đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển trong thời gian qua. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả".
Ngoài ra, hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì.
Công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập thực chất, hiệu quả hơn, nhất là việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học được thực hiện nghiêm túc, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội…
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng thẳng thắn nêu một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.
Trong đó, công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học".
Việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thủ tướng cũng chỉ ra thực thế, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu; tại một số địa phương vẫn còn phòng học nhờ, phòng học tạm; thiếu các phòng chức năng, thiết bị dạy học tối thiểu; vấn đề nhà vệ sinh trong các trường học vẫn còn bất cập.
Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bất cập giữa các cấp học giữa các địa bàn; nhiều địa phương chưa đảm bảo đủ định mức giáo viên theo quy định; đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục mới.
Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh chính nhấn mạnh phải bám sát tư tưởng: lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, Học sinh, và Giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Sau khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo.
Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó ưu tiên xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cần tiếp tục đổi mới thi, công nhận tốt nghiệp THPT, đảm bảo nghiêm túc, gọn nhẹ, giảm áp lực nhưng phải nâng cao chất lượng.
Xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn.
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung, đổi mới phương pháp giáo dục, đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình GDPT 2018.
Từ đó Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành; trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của TW bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Đồng thời, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới: "Kiên quyết không để ma túy xâm nhập học đường, khắc phục tình trạng bạo học đường. Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển".
Song song với đó là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên. Rà soát việc dạy học môn Giáo dục công dân trong trường phổ thông. Có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo.
Thủ tướng nhấn mạnh, dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học và có truyền thống hiếu học. Chính vì vậy, giáo dục luôn được cả xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách “dạy chữ, dạy người” cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước.
Thủ tướng cho biết: “Nhiệm vụ thực hiện sự nghiệp trồng người rất vẻ vang nhưng đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và sẽ luôn đồng hành cùng giải quyết những khó khăn, thử thách của ngành Giáo dục, cũng như của hơn 1 triệu thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người”.
Có việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục
Chia sẻ tại sự kiện, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT.
Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an luôn nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của ngành GD&ĐT trong sự nghiệp trồng người, là giải pháp căn cơ bảo vệ an ninh văn hóa, an toàn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa từ sớm những tác động đến an ninh trật tự.
Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT triển khai nhiều chương trình phối hợp, triển khai các thông tư liên tịch nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh an toàn các kì thi.
Đặc biệt, Bộ Công an lưu ý đến việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục để vi phạm pháp luật, phòng ngừa những vi phạm pháp luật trong học sinh sinh viên (HSSV).
Qua công tác bảo đảm an ninh quốc gia cho thấy, việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đã tạo ra một nhóm người có quan điểm không phù hợp với quan điểm của Đảng, đặc biệt trong lứa tuổi HSSV. Bộ Công an lưu ý về những phá hoại về an ninh trật tự trong không gian mạng, tác động đến HSSV giáo viên.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đánh giá: “Năm học vừa qua ngành giáo dục đã gặt hái nhiều thành công trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Những đổi mới trong phương pháp giảng dạy, SGK, đội ngũ nhà giáo, thi cử đã thu được nhiều thành công, được xã hội đánh giá cao”.
Về những tồn tại được nêu trong Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan đề nghị Bộ GD&ĐT sớm có khảo sát để đánh giá tác động đổi mới SGK, phương pháp giảng dạy. Cần đánh giá về đội ngũ, có chiến lược dài hơi trong đào tạo đội ngũ cho ngành Giáo dục, phải tăng cường đầu tư cho ngành sư phạm. Cùng với đó, cần đánh giá nghiêm túc về tự chủ đại học.