Ngay sau khi nghe báo cáo và các tham luận tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành giáo dục diễn ra sáng ngày 19/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu chỉ đạo và đặt ra những kỳ vọng cho ngành Giáo dục trong năm học mới.
Thủ tướng nhìn nhận, giáo dục đào tạo có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính nền tảng trong việc hình thành và phát triển con người. Qua đó góp phần quyết định sự vận động, phát triển của xã hội.
Đồng thời, giáo dục là yếu tố quan trọng nhất bảo đảm sự thành công về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược cho phát triển nhanh và bền vững đất nước ta.
Thủ tướng đánh giá trong suốt thời gian qua, đặc biệt là 10 năm thực hiện đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước, nhất là sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Thủ tướng cơ bản đồng ý nội dung báo cáo của Bộ GD&ĐT và ý kiến đóng góp của các đại biểu và bày tỏ nhìn chung, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.
Theo đó, ngành giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn trong việc đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều.
Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; tại
Cùng với đó, Thủ tướng đánh giá chất lượng đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Thủ tướng phân tích và yêu cầu tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng".
Về một số nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm trong thời gian tới đó là phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới như trường lớp học, trang thiết bị, sách giáo khoa, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn,…
"Tổ chức tốt lễ khai giảng ngày 5/9 sắp tới, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn", Thủ tướng yêu cầu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh việc tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD&ĐT.
Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tập trung xây dựng dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8; xây dựng Chiến lược phát triển GD&ĐT và các quy hoạch giáo dục, đào tạo.
Cùng với đó là tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học và tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ĐT
Trước thềm năm học mới 2024-2025, Thủ tướng gửi lời chúc toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy giáo, cô giáo luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề.
Khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã có ý kiến ghi nhận, biểu dương ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian vừa qua.
Cùng đó, ngành giáo dục sẽ quán triệt quan điểm, tinh thần định hướng chỉ đạo của Thủ tướng là "lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, làm chủ thể, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là bệ đỡ, gia đình là điểm tựa, xã hội là nền tảng".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91 về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trên cơ sở đó ban hành Kế hoạch hành động của ngành giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảm đảm tính khả thi và hiệu quả".