Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 4, 16/08/2023 22:07

Thủ tướng đặc biệt lưu ý cần có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới ký ban hành Công điện số 747 yêu cầu các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành phố bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên kịp thời cho năm học 2023 – 2024.

Theo đó, trong thời gian qua, đáp ứng yêu cầu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, ngành giáo dục, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tích cực chuẩn bị các điều kiện, huy động nguồn lực, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp một số bất cập: việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành sách giáo khoa còn chậm; ở nhiều địa phương đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, số lượng giáo viên chưa đáp ứng theo quy định, công tác tuyển dụng giáo viên còn gặp nhiều khó khăn; chế độ chính sách còn bất cập, cần điều chỉnh phù hợp, hiệu quả.

Trước tình hình đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT đôn đốc các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách giáo khoa bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành.

Thực hiện ngay kiểm tra, giám sát việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa.

Chỉ đạo các địa phương tăng cường trách nhiệm về việc rà soát công tác biên soạn lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định.

Giáo dục - Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới

Về cơ bản sách giáo khoa đã được cung ứng đủ trên thị trường trước thềm năm học mới.

Đặc biệt, có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Cùng với đó, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định.

Thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên kịp thời, phù hợp, hiệu quả với điều kiện cụ thể tại địa phương.

Khẩn trương có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập nêu tại Báo cáo số 584  của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, trong đó có việc chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ theo Quyết định số 72 của Bộ Chính trị bảo đảm về số lượng và chất lượng; hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị định số 111 trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp" phù hợp, hiệu quả.

Khẩn trương rà soát, kiểm tra, tổng hợp nhu cầu giáo viên năm học 2023-2024 còn thiếu của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra địa phương thực hiện bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Quyết định số 30.

Giáo dục - Thủ tướng yêu cầu bảo đảm sách giáo khoa và giáo viên cho năm học mới (Hình 2).

Cần thực hiện kiểm tra, việc tổ chức biên soạn, đấu thầu, in và phát hành sách giáo khoa.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới; tiếp tục triển khai tuyển dụng số biên chế được giao theo Quyết định số 72.

Khẩn trương khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập giữa các cấp học và các địa bàn của địa phương; thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu; trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức thì thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111.

Phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng sách giáo khoa trên địa bàn, bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách giáo khoa hoặc tăng giá bất hợp lý trước khi khai giảng năm học mới.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý cần có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đầy đủ, thuận lợi trước thềm năm học mới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.