Quy hoạch định hướng là Thành phố trực thuộc Trung ương
UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, quy hoạch của tỉnh này bám sát Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ về phát triển Kinh tế - Xẫ hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xác định rõ các mục tiêu và phương án tích hợp, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương, đồng thời tạo sự liên kết với các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ cũng như trong vùng kinh tế trọng điểm.
UBND tỉnh Bình Dương quy hoạch tập trung vào 6 trụ cột phát triển, với 37 nhiệm vụ cụ thể và 5 chiến lược tích hợp, theo mô hình cấu trúc bao gồm "1 trụ cột phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển"
Theo ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: "Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, đã tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Dương qua từng thời kỳ.
Trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng và những đóng góp tích cực từ các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bình Dương".
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Dương, trong quy hoạch 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050, UBND tỉnh này đặt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, hướng tới việc trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động và toàn diện của khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Bình Dương sẽ tập trung phát triển các trung tâm công nghiệp và dịch vụ hiện đại.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và đô thị sẽ được phát triển đồng bộ, thông minh và bền vững, theo mô hình tăng trưởng xanh.
Đồng thời, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng một xã hội phồn vinh, văn minh và hiện đại, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp và dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, là điểm đến ưa chuộng của các doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ công nghiệp.
Tỉnh cũng phấn đấu trở thành một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, với động lực tăng trưởng chính từ công nghiệp, dịch vụ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đánh giá cao quy hoạch tỉnh Bình Dương
Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố quy hoạch của tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Bình Dương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo sự kiện quan trọng này, thể hiện tầm nhìn chiến lược, dài hạn phát triển tỉnh Bình Dương và sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Thủ tướng nhấn mạnh quy hoạch có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, đồng bộ của quốc gia, vùng, địa phương hay ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch phải bám sát chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính hệ thống, khoa học, hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Dương đã đạt được trong thời gian qua, góp phần vào thành tựu của công cuộc Đổi mới của đất nước; đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Dương cần tiếp tục giữ gìn, kế thừa và phát huy hơn nữa các thành quả mà các thế hệ đi trước để lại.
Thủ tướng nêu rõ, với tinh thần mở đường, kiến tạo, Chính phủ Việt Nam cam kết bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng luật pháp, thể chế, chính sách theo hướng vừa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, vừa kiến tạo, mở ra không gian phát triển; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.