Ngay sau khi bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” được đăng tải, nhiều học giả Việt Nam đã lên tiếng cho rằng những gì được trích dẫn từ cuốn sách “Harvard 4:30am - Harvard Universitys Gift to Young People” của tác giả Wei Xiuying là chưa đúng.
Câu hỏi thu hút sự chú ý của các sinh viên và cựu sinh viên Harvard.
Arvin Chang – một cựu sinh viên Harvard khẳng định, đây không phải sự thật. Vì chỉ có duy nhất một thư viện của trường mở cửa đến 4 giờ sáng và hầu hết các thư viện đều đóng cửa sớm hơn nhiều. Câu trả lời của Arvin được đưa ra vào thời điểm tháng 12/2014.
“Tôi thường đi ngủ vào khoảng 1-2 giờ sáng và ngủ đến 9-10 giờ sáng hôm sau. Thỉnh thoảng tôi có thức đến 4 giờ sáng khi đang có một dự án nào đó. Sau năm nhất thì thường một tháng chỉ có một lần như thế” – Arvin nói.
Trong khi đó, Tony Cheang – cũng là một cựu sinh viên Harvard cho rằng, việc này phụ thuộc vào từng sinh viên. Một số sinh viên quản lý thời gian rất tốt và họ không phải thức khuya để hoàn thành bài vở. Ngược lại, một số sinh viên quản lý thời gian không tốt, có thời gian biểu bận rộn có thể sẽ chọn cách thức khuya để học bài. “Theo những gì tôi thấy, có vẻ như hầu hết sinh viên sẽ chọn ngủ thay vì học nếu họ không cảm thấy buộc phải làm một bài tập nào đó. Một số người như bạn cùng phòng của tôi rất thường xuyên thức khuya để chơi game Resistance”.
Tony cho rằng Harvard là một cộng đồng đa dạng và việc làm việc hay thói quen học tập cũng đa dạng không kém.
Erika Robinson – sinh viên Harvard niên khóa 1980 chia sẻ, sinh viên Harvard và các trường đại học ưu tú khác học tập rất chăm chỉ nhưng cách họ sắp xếp thời gian của mình phụ thuộc vào các yêu cầu của khóa học, các hoạt động ngoại khóa mà họ tham gia, lịch làm việc và cuộc sống bên ngoài của mỗi sinh viên.
“Chẳng có ai ngu ngốc đến mức nói rằng mọi sinh viên của Harvard đều thức đến 4 giờ sáng để học” – Erika khẳng định.
Bàn về bức ảnh được cho là chụp ở thư viện của Harvard, William Chen – sinh viên Harvard khóa 2014 – khẳng định đây không phải là thư viện của Harvard.
“Thư viện duy nhất của Harvard mở cửa lúc 4 giờ 30’ sáng là Lamont. Tôi có thể xác nhận rằng đây không phải Lamont và bức ảnh này là giả mạo”.
“Bố mẹ tôi là những người đầu tiên cho tôi xem bức ảnh này. Họ nói rằng nó được lan truyền trên các diễn đàn mạng Trung Quốc. Một tìm kiếm nhanh trên TinEye cho thấy bức ảnh này hầu như chỉ được chia sẻ trên các trang của Trung Quốc”.
William cho rằng có vẻ như các bậc phụ huynh Trung Quốc đã chia sẻ bức ảnh để trấn an nhau rằng con cái họ vẫn chưa đủ chăm chỉ. “Họ thực sự thích nhìn nhận sai về hình ảnh của Harvard, giống như một nơi của những kẻ mọt sách”.
Nam sinh này cũng cho biết, thói quen học tập điển hình ở Harvard là: sinh viên chỉ học khuya khi ngày hôm sau có bài thi. “Hầu hết chúng tôi đều cố gắng không thành cú đêm vì điều đó thật kinh khủng và hoàn toàn không hiệu quả”.
Đi kèm ý kiến của William là một bức ảnh chụp thư viện Lamont mà cậu khẳng định là thư viện mở cửa muộn nhất ở Harvard.
Chia sẻ trên Quora, Ramzi Amri – sinh viên Harvard khóa 2015 – đã đăng tải một bức ảnh do chính tay cậu chụp ở thư viện duy nhất mở đến khoảng 4 giờ sáng vào một buổi tối bình thường. Bức ảnh cho thấy khung cảnh hoàn toàn vắng hoe và cậu khẳng định vào giờ đó rất hiếm có người ở thư viện.
Rất nhiều cựu sinh viên của Harvard xác nhận trên Quora rằng, thư viện duy nhất của trường mở cửa đến 4 giờ sáng là thư viện Lamont và bức ảnh trên đây không hề giống khung cảnh ở Lamont. Và việc cộng đồng mạng Trung Quốc hay tác giả Wei Xiuying lan truyền bức ảnh này hoặc là do nhầm lẫn, hoặc là do cố tình gửi đi một thông điệp sai về Harvard – một biểu tượng của sự thành công trong học thuật – nhằm định hướng cho lớp trẻ rằng muốn thành công thì nhất định phải là “cú đêm”.
(Theo Vietnamnet/ Quora)